Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng: Khuyến khích công chức nộp lại quà biếu

Bên hành lang Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đã trao đổi với PV TTXVN: Ở một số nước người ta có cơ chế mở, khuyến khích công chức nộp lại tiền, quà biếu. Thậm chí người ta còn trích lại phần trăm để thưởng cho người đó.

- PV:
Chính phủ đã có quy định về nhận quà và nộp lại quà biếu. Vậy các cơ quan chức năng đã bao giờ tổng kết, đánh giá xem việc thực hiện như thế nào chưa?

- Ông TRẦN QUỐC VƯỢNG: Đúng là Chính phủ đã có quy định về nhận quà và nộp lại quà biếu. Quy định có rồi và từng cơ quan phải có quy định, tổ chức thực hiện cụ thể, nộp vào đâu, chỗ nào, ai thu. Hiện nay, theo tôi được biết là chưa có đánh giá.

- Trong những năm qua, có nhiều trường hợp nộp lại tiền, quà biếu...Tuy nhiên ở mỗi trường hợp đều có đánh giá khác nhau?

- Đánh giá khác nhau là đúng thôi vì lúc đó không có quy định cụ thể. Nhưng theo tôi, bây giờ cần khuyến khích được người ta nộp lại. Bất cứ việc nộp lại nào theo tôi cũng là tốt, phải khuyến khích.

- Cụ thể việc khuyến khích đó là như thế nào?

- Tức là ai nộp vào thì sẽ biểu dương, khen thưởng. Trước đây, không có quy định rõ, nên có người nộp chỗ này, người lại nộp chỗ kia. Nhưng rõ ràng người ta tự nguyện, tự giác nộp lại như vậy là tốt. Phải khuyến khích người ta nộp lại. Việc đó có chỗ nào chưa chuẩn thì uốn nắn lại cho đúng.

- Đối với trường hợp người đưa quà vì động cơ vụ lợi thì có khuyến khích nhận và nộp lại không?

- Tôi cho rằng vì động cơ vụ lợi, vì một công việc gì đó mà anh đang giải quyết, dù là món quà rất nhỏ cũng phải từ chối, lên án.

- Có nhiều ý kiến cho rằng nên khuyến khích việc nộp lại tiền, thậm chí người đưa tiền nếu tố cáo thì được miễn trách nhiệm hình sự?

- Bây giờ ta chưa đặt ra điều này, nên cũng là khó khăn cho việc phòng, chống tham nhũng. Ở các nước, trong trường hợp người nhận tiền, quà rồi nộp lại thì chỉ xử lý người đưa hối lộ. Còn người nhận nộp lại đương nhiên được miễn trách nhiệm, hoặc xử lý rất nhẹ thì mới khuyến khích được. Cái thứ hai, nếu người đưa tiền tố cáo người nhận thì pháp luật không xử lý người đưa mà chỉ xử lý người nhận.  

X.TÙNG


ĐBQH Dương Trung Quốc: Học người xưa, người nay

Tuần đầu tiên của kỳ họp QH, ngoài những vấn đề kinh tế xã hội của đất nước, một chủ đề nóng được bàn luận khá sôi nổi bên lề nghị trường - là chuyện nhận – trả quà biếu của một số quan chức hàng tỉnh. ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.

- PV: Thưa ông, có nhiều dư luận xung quanh việc nhận – trả quà biếu của một số quan chức thời gian qua khá đa chiều. Người nói quà biếu tới trăm triệu đồng nhất định có liên quan đến nhờ vả, chạy chức chạy quyền. Người nói truyền thống tặng quà của người Việt cũng có nhiều điểm tế nhị, chẳng nên quy kết…

- Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC: Xã hội Việt Nam đang có sự chuyển động rất lớn, đi cùng với nó là cả một hệ thống quan niệm về đạo lý truyền thống trong mối liên hệ với pháp luật hiện đại. Tôi rất tâm đắc với một cuốn sách của Đặng Huy Trứ, một ông quan thời Nguyễn tựa đề là “Từ vụ yếu quy” (tạm dịch là những quy định chính yếu về từ chối hay nhận quà). Ông ấy đã tổng kết lại 104 tình thế trong muôn mặt đời sống không được phép nhận quà, vì là những biến thể khác nhau của hối lộ. Nhưng có 5 dạng được phép nhận, như khi con cái biếu bố mẹ, trò biếu thầy, người chịu ơn tặng ân nhân...

Đặc biệt là trường hợp có thể nhận do tính hiệu quả của công việc, chẳng hạn như nhờ điều hành tốt giúp thương thuyền giải phóng hàng hóa nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì khi được chủ thuyền biếu, ông quan cửa khẩu cũng có thể nhận quà mà không lấy làm có lỗi. Quan niệm của người xưa như vậy, cũng nên tham khảo. Nay thì tổng thống các nước nhận quà cũng phải theo luật. Giá trị món quà đến bao nhiêu thì có thể tùy ý sử dụng, bao nhiêu được mua lại, cao hơn nữa thì phải cất giữ vào nơi công cộng. Tôi cho những tranh cãi về chuyện tặng quà vừa qua do chưa có quy định rõ ràng nên nhiều người có thể bị tình ngay lý gian.

- Thực ra Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã có quy định về giá trị món quà đến mức 500.000 đồng, mặc dù cũng có người nói quy định này không được sát thực tế lắm. Ông nghĩ sao?

- Thế thì tại sao không công khai bàn lại cho hợp lý hơn? Tôi cho cái lỗi chính là ở cơ chế khiến người ta bối rối không biết hành xử thế nào cho đúng cả. Tất nhiên, nếu cái phần quà trả lại ấy chỉ là phần nhô lên của tảng băng chìm tiêu cực thì phải điều tra kỹ càng, không được phép suy luận.

- Có ý kiến cho rằng phải có cơ chế khuyến khích trả lại tiền biếu, quà biếu, chứ nếu “chặn” cả hai đầu, cả người biếu lẫn người nhận đều sợ bị quy kết nên “chỉ biết với nhau” thì…

- Tôi cũng nghĩ vậy. Phải có cơ chế hạn chế cái xấu, khuyến khích cái tốt. Có quy định rõ ràng theo hướng khuyến khích đó thì khi trả lại quà biếu, người nhận thanh thản, ngân quỹ được bổ sung, còn người biếu khi thấy như vậy cũng sẽ biết được mình cần phải điều chỉnh hành vi như thế nào. Nên có quy định sát hợp về vấn đề này theo hướng không hồi tố, đừng để người ta tìm cách đối phó với pháp luật. 

ANH PHƯƠNG thực hiện

Tin cùng chuyên mục