Thẻ điểm Điện toán đám mây Toàn cầu BSA 2018 – phiên bản mới nhất của nghiên cứu cũng là duy nhất hiện nay về xếp hạng mức độ sẵn sàng của các quốc gia trong việc chấp nhận và phát triển các dịch vụ điện toán đám mây – sử dụng một phương pháp mới để phản ánh chính xác hơn về những chính sách giúp điện toán đám mây đạt được sự tăng trưởng gấp bội trong 5 năm qua, trong đó chú trọng hơn vào luật định của các quốc gia về bảo vệ bí mật và an ninh mạng cũng như hạ tầng băng rộng.
Việt Nam đứng thứ 24 trên tổng số 24 nền kinh tế hàng đầu về CNTT, tức là vẫn đứng chót bảng kể từ khi công bố Thẻ điểm lần trước, một dấu hiệu cho thấy môi trường pháp lý, thể chế về điện toán đám mây của Việt Nam đang hạn chế đổi mới, sáng tạo về điện toán đám mây.
Bà Victoria Espinel, Chủ tịch kiêm TGĐ BSA | Liên minh Phần mềm, chia sẻ: “Thẻ điểm là công cụ giúp các quốc gia tự đánh giá các chính sách của mình theo hướng xây dựng để xác định những bước tiếp theo nhằm tăng cường chấp nhận công nghệ điện toán đám mây. Điện toán đám mây cho phép mọi người tiếp cận được những công nghệ mà trước đây chỉ có ở các tổ chức lớn, từ đó mở đường cho việc tăng cường khả năng kết nối, đổi mới, sáng tạo. Những nước cho phép sự dịch chuyển tự do của các luồng dữ liệu, có giải pháp an ninh mạng tối tân, có biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, có cơ sở hạ tầng CNTT tốt sẽ tiếp tục gặt hái được lợi ích từ điện toán đám mây cho cả doanh nghiệp và người dân.”
Bằng cách đánh giá khung pháp lý, thể chế của 24 quốc gia, Thẻ điểm muốn tạo diễn đàn để thảo luận giữa các cấp hoạch định chính sách và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Từ quá trình đối thoại này mà có xây dựng được một cơ chế quốc tế hài hòa về luật định nhằm tạo thuận lợi cho điện toán đám mây.