Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước theo dõi lĩnh vực đối ngoại; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự trực tuyến.
Ngoài ra, đại diện một số tổ chức quốc tế ở Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng tham dự hội nghị.
Theo Thủ tướng, hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Từ giai đoạn ban đầu hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu và tự tin tiến lên hội nhập quốc tế được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Bộ Chính trị số 22 (4-2013) với nội hàm chủ động hội nhập toàn diện trên 3 trụ cột.
Theo chương trình Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng quan về hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2014-2019, trọng tâm hội nhập quốc tế đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2021; báo cáo kết quả hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác giai đoạn 2014-2019 và trọng tâm hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục và các lĩnh vực khác đến năm 2021… |
Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA (với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, CPTPP, EVFTA...), mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới.
Đồng thời, đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 (2-2019)… là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế trong 5 năm qua, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương hội nhập, tự tin, tiếp tục hội nhập quốc tế, bao gồm đánh giá kết quả thực hiện 5 mục tiêu của Nghị quyết 22.
Phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó phải đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030...