BMI đánh giá

Việt Nam tăng trưởng bền vững

Việt Nam tăng trưởng bền vững

Ngày 30-3 vừa qua, Đài BBC (Anh) công bố đánh giá mới nhất của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI) về kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam (VN). Theo đó, BMI khẳng định, VN có thể duy trì tỉ lệ tăng trưởng hàng năm từ 7,5% đến 8% từ nay đến 2010.

Việt Nam tăng trưởng bền vững ảnh 1

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Việt Dũng

Theo đánh giá của BMI, thâm hụt ngân sách của VN đã giảm từ 7,2% trong tổng GDP năm 2003 xuống còn 5% vào năm ngoái. Trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, năm 2005 khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng lần lượt là 10,6% và 8,5%, trong lúc nông nghiệp chỉ tăng 4%. Hiện nay, công nghiệp và dịch vụ chiếm đến 80% nền kinh tế VN so với 20% còn lại là nông nghiệp.

Đánh giá trên đây của một cơ quan nghiên cứu và dự báo kinh tế hàng đầu thế giới một lần nữa khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đồng thời với nhận định lạc quan trên, BMI cũng cảnh báo rằng, vẫn còn không ít trở ngại đối với sự tăng tốc của nền kinh tế VN. Trước hết, việc chưa vào được WTO năm 2005 đã khiến các mặt hàng xuất khẩu của VN không thể tăng trưởng.

Kế đến, ngay khi đã là thành viên WTO, nếu bị buộc bỏ ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và hạn chế xuất khẩu dệt may, lợi ích của VN trong việc gia nhập WTO có thể ít hơn so với dự đoán. Đó là chưa kể một rủi ro khác cho viễn cảnh tăng trưởng là tiến độ cải cách chậm chạp trong khu vực ngân hàng có nguy cơ làm gia tăng các khoản nợ không có khả năng thanh toán.

Điều đáng chú ý, trong bảng đánh giá về rủi ro kinh tế (Economic Risk Ratings), xếp hạng khả năng của một nền kinh tế trong việc cung cấp môi trường để các công ty duy trì lợi nhuận và phát triển, về ngắn hạn, BMI đã xếp VN hạng thứ 66 (62 điểm), đứng trên các nền kinh tế châu Á khác là Pakistan, Campuchia, Philippines, Sri Lanka, Lào và Bangladesh (đứng trên VN là Trung Quốc-xếp thứ nhất với 90 điểm, kế đến là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Úc và Indonesia). Tuy nhiên, về dài hạn, BMI lại xếp VN thứ 70 (54,8 điểm), ngang với Philippines và thấp hơn Bangladesh (hạng 64), Pakistan (63), Indonesia (43), Thái Lan (34), Trung Quốc (10), Malaysia (8), Singapore (1).

Điều gì đã khiến BMI mặc dù dự đoán chiều hướng lạc quan trong tăng trưởng kinh tế của VN nhưng lại xếp VN ở thứ hạng thấp khi đánh giá về khả năng ổn định dài hạn trong môi trường đầu tư?

Như nhiều chuyên gia nhận định, sự thiếu nhất quán và hay thay đổi ở một số chính sách kinh tế, thủ tục đầu tư trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến lợi ích của các nhà đầu tư tại VN. Thêm nữa, nội lực, kinh nghiệm và sức đề kháng của các doanh nghiệp trong nước nhìn trên tổng thể, vẫn rất yếu kém, dù VN đang đứng trước ngưỡng cửa WTO.

Bước sang năm 2006, một bất ngờ mở đầu cho kế hoạch phát triển kinh tế của VN giai đoạn 2006-2010 là kỷ lục mới về đầu tư nước ngoài: chỉ trong 2 tháng đầu năm tổng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài trong cả nước lên đến 1,3 tỉ USD. Trong đó, sự chọn lựa đầu tư nhà máy thứ 7 tại VN của Intel – tập đoàn máy tính hàng đầu thế giới – với số vốn đầu tư trên 600 triệu USD đã trở thành chỉ dấu khẳng định thương hiệu VN trên trường quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa VN đang đi đúng hướng với các chính sách đầu tư đang ngày càng hoàn thiện.

Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng cao và ổn định, vấn đề quan trọng không kém là phải luôn có cơ chế kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những khiếm khuyết, bất cập vốn không ngừng phát sinh trong bộ máy vận hành của con tàu kinh tế.

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục