Việt Nam và ngôi vị “Vua hạt điều” thế giới - Bài 1: “Chiến binh” năng động

Từ 2 năm nay, “kinh đô” chế biến hạt điều lâu đời của thế giới ở thành phố Kollam (bang Kerala, Ấn Độ) đã thật sự bị “thất thủ” bởi những doanh nghiệp - “chiến binh” non trẻ của ngành chế biến điều Việt Nam.
Từ thời điểm 12 năm trước (năm 2006), Việt Nam đã vượt Ấn Độ - đất nước có ngành chế biến và xuất khẩu nhân điều lâu đời và lớn nhất thế giới. Giờ đây, ngành điều Việt Nam còn bỏ xa Ấn Độ về sản lượng giao dịch xuất nhập khẩu và chế biến, trở thành “kinh đô” mới của ngành chế biến hạt điều thế giới. 
Việt Nam và ngôi vị “Vua hạt điều” thế giới - Bài 1: “Chiến binh” năng động ảnh 1 Kiểm tra nhân điều sơ chế. Ảnh: ĐÌNH TRƯỜNG
  Ngã rẽ quyết định 
Gần 100 năm trước, ngành chế biến nhân hạt điều Ấn Độ đã được hình thành, khi chi nhánh Công ty General Foods ký hợp đồng mua nhân hạt điều đã tách vỏ với doanh nhân Ấn Độ để xuất khẩu. Từ đó, Ấn Độ, cụ thể là thành phố Kollam, chính thức trở thành “kinh đô” chế biến nhân hạt điều của thế giới. Đến cuối thập niên 1990, thành phố Kollam và đất nước Ấn Độ bước vào giai đoạn vàng son nhất, xuất khẩu 97.000 tấn nhân điều/năm, chiếm 80% tổng sản lượng chế biến nhân điều thế giới. 
Sau năm 1975, Việt Nam mới xuất khẩu điều thô (chưa tách vỏ). Đầu thập niên 1980, ngành chế biến điều Việt Nam đi những bước chập chững đầu tiên, khi Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều đã được tách vỏ thay vì tiếp tục xuất điều thô. Từ đó, ngành chế biến nhân điều Việt Nam liên tục phát triển, là một trong những ngành sử dụng lượng lao động phổ thông nhiều nhất, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Thế nhưng, khi các khu công nghiệp xuất hiện ở nhiều tỉnh - thành, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ (thủ phủ ngành điều Việt Nam), trong đó ngành may mặc bắt đầu phát triển và trở thành ngành thu hút lao động nhiều nhất.
Lao động ngành điều từ từ rời bỏ các nhà máy tách vỏ hạt điều thủ công để vào các nhà máy may mặc, do được làm việc trong điều kiện sạch sẽ thay vì ở những cơ sở cũ kỹ, quần áo và tay chân luôn dính đầy mủ vỏ điều. Tình hình này đặt ngành điều đứng trước ngã rẽ quyết định, đó là phải chuyển đổi, đưa thiết bị máy móc thay thế dần lượng lao động ngày càng khan hiếm, nhất là ở công đoạn tách vỏ điều (thường chiếm 70% - 80% lao động). 
Nhóm kỹ sư thuộc Công ty Nông sản xuất khẩu TPHCM do ông Nguyễn Văn Lãng (người sau này được xem như cha đẻ ngành chế biến hạt điều Việt Nam) đứng đầu bắt tay vào nghiên cứu dây chuyền công nghệ.
Năm 1984, nhóm thành công bước đầu bằng công nghệ chế biến điều theo phương pháp chao hạt để cắt, với giá thành chỉ bằng 10% dây chuyền nhập khẩu nước ngoài. Nhưng phải đến cuối thập niên 1980, khi áp lực lao động bị khan hiếm, nhóm ông Lãng mới có điều kiện chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước) cùng tỉnh Long An.
10 năm sau, có 60 nhà máy sử dụng công nghệ chế biến điều của nhóm kỹ sư Nguyễn Văn Lãng. Công nghệ này khi được phổ biến rộng rãi đã đưa Việt Nam từ chỗ xuất khẩu điều thô thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nhân điều, chỉ sau Ấn Độ. 
Việt Nam và ngôi vị “Vua hạt điều” thế giới - Bài 1: “Chiến binh” năng động ảnh 2 Công nhân ngành chế biến điều làm việc trong nhà xưởng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP/ISO 22000. Ảnh: ĐÌNH TRƯỜNG
Cuộc dịch chuyển ngoạn mục
Thống kê từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 1992 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu điều nhân qua thị trường Trung Quốc. Năm 1994, những lô hàng điều nhân đầu tiên xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Năm 1996, Việt Nam bắt đầu nhập điều thô từ châu Phi về chế biến và chấm dứt xuất khẩu điều thô qua Ấn Độ.
Từ năm 2002 đến 2003, ngành điều Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt, trở thành quốc gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhân điều lớn thứ hai thế giới. Đến năm 2006, vượt qua Ấn Độ, trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới.
Cuối năm 2017, đã có gần 500 doanh nghiệp quốc tế tìm đến các hội nghị về điều của Việt Nam để tìm cơ hội làm ăn. Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho biết, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành điều là nguyên nhân thu hút các đối tác thế giới đến Việt Nam. 12 năm trước, Việt Nam lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều. 2 năm vừa qua, Việt Nam trở thành trung tâm chế biến và xuất nhập khẩu điều số 1 thế giới, khi chiếm hơn 50% lượng điều thô chế biến và trên 60% lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu (năm 2017, thế giới có khoảng 3,3 triệu tấn - theo số liệu của Hội đồng Điều toàn cầu GCC). 
Năm 2007 có sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu đầu tư vào kỹ thuật, công nghệ chế biến điều, đặc biệt ở khâu bóc vỏ lụa tự động. Năm 2008, Vinacas triển khai Dự án khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ, thiết kế, chế tạo máy tự động tách vỏ hạt điều và máy bóc vỏ lụa nhân điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu”.
Năm 2009, công nghệ, thiết bị chế biến điều được hoàn thiện, đặc biệt ở khâu tách vỏ cứng hạt điều. Năm 2010, lần đầu Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu điều nhân trên 1 tỷ USD.
Nếu như ban đầu chỉ có nhóm kỹ sư của ông Nguyễn Văn Lãng nghiên cứu sản xuất thiết bị chế biến hạt điều, thì đến năm 2012, tại buổi trình diễn thiết bị do Vinacas tổ chức ở Bình Dương đã có 13 đơn vị cơ khí chế tạo trong nước tham gia, như: Khuông Việt, Anco Việt, Sơn Việt, Mỹ Anh An, Phúc Thắng, Gia Lợi, Tiến Lộc Phát, Việt Lê Nguyễn, Thạnh Sơn…
Hơn 80% thiết bị tại các nhà máy chế biến đều do công ty, cơ sở trong nước sản xuất. Đây là kết quả của chương trình quốc gia KC07 thực hiện từ năm 2006 đến năm 2010, với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc nhờ những thông số như: máy cắt hạt điều giảm tỷ lệ hạt bể xuống còn dưới 10%, so với trên 30% của thiết bị nước ngoài và trên 10% của lao động thủ công; 1 máy cắt 1,6 tấn hạt/ca (tương đương 10 - 12 lao động); với máy bóc vỏ lụa, tỷ lệ hạt vỏ dưới 13,7%, năng suất gần 1,6 tấn hạt/ca (làm thủ công 10kg/lao động/ca), độ sạch trên 86%... Có thể nói, toàn bộ 13 khâu trong chế biến hạt điều đã được cơ giới hóa một phần hay hoàn toàn, giảm gần 80% lao động. 
Đầu tháng 12-2017, trên báo The Wall Street Journal (Hoa Kỳ), bài viết “How Cashews Explain Globalization” của 2 tác giả Bill Spindle và Vibhuti Agarwal đã đặt vấn đề: Ai đã đưa Việt Nam lên vị trí thống trị ngành sản xuất điều thế giới? Bài báo phân tích: “Giờ đây, Việt Nam là vua hạt điều của thế giới nhờ vào công nghệ trong sản xuất phát triển. Trong khi đó, vị thế của Kollam ngày một suy yếu, Kollam là nạn nhân trực tiếp của chính sách bảo hộ từ Chính phủ Ấn Độ và việc chính Kollam chậm thay đổi để thích ứng với thế giới”.
Có thể nói, “kinh đô” chế biến hạt điều thế giới đã dịch chuyển từ Ấn Độ sang Việt Nam bởi những doanh nghiệp - “chiến binh” năng động của ngành chế biến điều non trẻ.

Tin cùng chuyên mục