Viết thư cho con

Để tạo sự quan tâm sẻ chia giữa cha mẹ và con cái, học sinh với thầy cô giáo, hàng tuần, trường tiểu học-nơi con tôi học lớp 4 có sáng kiến mở hộp thư “tâm sự”. Tuần đầu tiên tôi nhận được lá thư của con trai và cảm thấy hồi hộp khi mở nó. Khi đọc những dòng chữ nắn nót, bộc bạch nho nhỏ của con, tôi bật khóc. Con viết ngắn gọn nhưng thể hiện một ước mơ bình dị là “chỉ muốn được mẹ đưa đón con thường xuyên”. Rồi con ngây thơ đặt câu hỏi: “Mẹ ơi sao mẹ đi công tác hoài vậy. Con chỉ muốn mẹ làm công việc bán hàng ở nhà giống mẹ bạn H. vì ngày nào bạn ấy cũng được mẹ đưa đi học”. Rồi con cũng bộc bạch rằng không thích ở nhà vì phải ngủ với cô giúp việc…

Hôn nhân của tôi sớm gãy gánh và tôi phải tự gánh vác mọi việc, kể cả tập làm cha. Thế nhưng, cái giá mà tôi đang phải trả khá đắt. Mỗi lời tâm sự của con như mũi kim chích vào tim tôi, đau nhói. Đọc những lời tâm sự của con, tôi càng hiểu nỗi cô đơn của cậu con trai bé bỏng. Để con bớt cô độc và cảm nhận có mẹ ở bên cạnh, tôi nghĩ ra cách viết sẵn những lá thư cho con mỗi khi có đợt công tác vài ngày. Mỗi ngày đưa bé đi học, cô giúp việc sẽ bỏ vào cặp một lá thư với tựa đề: “Gửi con trai của mẹ!”. Trong những lá thư này, tôi dành những lời yêu thương cho con và nhẹ nhàng giải thích lý do vì sao mẹ phải đi làm xa… Không ngờ việc đó mang lại hiệu quả, con trai bớt buồn hơn và những lá thư sau ít “trách móc” mẹ hơn. Có lẽ cháu đã hiểu, sẻ chia với công việc của mẹ. Khi cháu bước vào học bậc THCS, tôi chuyển sang làm việc với thu nhập ít hơn nhưng bù lại ít khi phải xa con.

Từ đó, mẹ con tôi vẫn có thói quen viết thư cho nhau khi cần bày tỏ điều gì đó khó nói bằng lời. Giai đoạn dậy thì, cháu có nhiều biểu hiện chướng, thích làm theo ý mình. Tôi hiểu con đang gặp khó khăn về tâm sinh lý nên nhẹ nhàng tâm sự, hỏi han và không hề trách móc con. Nhờ vậy, cháu vẫn ở trong vòng tay và sự kiểm soát của tôi. Và mỗi khi cháu có biểu hiện chệch choạc, lơ là chuyện học, bị ảnh hưởng là bởi bạn bè… tôi đều biết và dang tay kéo cháu đi đúng đường.

Bây giờ con trai tôi chuẩn bị vào đại học, mẹ con cùng tham gia Facebook nhưng chúng tôi vẫn không từ bỏ thói quen viết thư cho nhau khi cần tâm sự, chia sẻ. Chúng tôi không chỉ coi nhau như bạn thân mà còn là tri kỷ. Thói quen cùng nhau đi uống cà phê, tìm không gian yên tĩnh để trò chuyện giúp mẹ con tôi giải tỏa bớt stress, áp lực trong cuộc sống. Dù mái ấm thiếu vắng người cha, người chồng nhưng chúng tôi không cảm thấy hụt hẫng vì biết cách bù đắp cho nhau và quan trọng là luôn yêu thương, sẻ chia mọi điều. Để hiểu con mình thì các mẹ hãy chủ động nghĩ ra cầu nối, bí kíp riêng nhé. Chẳng có chuyện gì khó giữa mối quan hệ cha mẹ và con cái, vì chìa khóa mở nút thắt chính là lời thầm thì, sự bao dung và biết lắng nghe nhau.

DIỆU ANH

Tin cùng chuyên mục