“Hò ơi…. Giã bàng cực lắm má ơi, con đi dân công hỏa tuyến… Hò ơi… con đi dân công hỏa tuyến, dâng đời cho quê hương”. Câu hò quen thuộc của người dân Vĩnh Lộc hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn được ngân lên. Ngày ấy, những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến của quê hương Bình Chánh, với tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, dâng hiến sức trẻ của mình với khát khao hòa bình thống nhất cho quê hương. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đêm 15-6 (nhằm ngày 20-5 âm lịch), 32 dân công hỏa tuyến của “vành đai lửa” Vĩnh Lộc đã anh dũng hy sinh. Khi đoàn dân công đang trên đường đưa thương binh về căn cứ thì bị oanh kích. 25 cô gái và 7 chàng trai tuổi mới mười tám đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ đồng bưng.
Khắc ghi công lao to lớn của dân công hỏa tuyến vùng “vành đai lửa” Vĩnh Lộc, năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968. Đìa Dứa, bưng Láng Sấu tang tóc ngày nào cũng đã trở thành Khu di tích dân công hỏa tuyến, được UBND TPHCM công nhận là khu di tích lịch sử cấp thành phố - nơi ghi dấu những hình ảnh các chiến sĩ dân công tải thương, tải đạn, là nơi lưu giữ những tấm gương sáng ngời của thanh niên vùng ven Sài Gòn trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho quê hương, đất nước.
Hơn 50 năm đã trôi qua, nhìn lại nỗi đau vẫn vẹn nguyên trong lòng người ở lại, nhưng những ai từng trải qua “đêm trắng” Vĩnh Lộc ngày ấy đều không hề hối tiếc vì tuổi thanh xuân mình đã cống hiến cho quê hương đất nước. Những ký ức hào hùng về thời hoa lửa vẫn còn hiện diện trên từng con người, từng tấc đất ngọn cỏ nơi đây. Các chị, các mẹ của một thời đạn bom, nhiều người vẫn còn đây, vẫn áo bà ba, khăn rằn thuở nào và vẫn không nguôi nhớ về đồng đội, nhớ về các con yêu quý của mình - những người con “đã nằm xuống trong vòng tay đất mẹ/Hiến cả cuộc đời, tuổi chớm đôi mươi”.
Trong ký ức của cựu nữ dân công hỏa tuyến Nguyễn Thị Khởi, những cô gái trong đội tưởng là chân yếu tay mềm, vậy mà có thể tải từ 25 đến 30kg, đi hơn 10 cây số qua đường bưng sình lầy không hề thấy mệt. Còn bà Phạm Thị Bèo, lúc đó chỉ mới 16 tuổi nhưng đã nằng nặc xin gia đình tham gia vào đội dân công. Vì cha mẹ chưa cho, nên bà nghĩ ra một kế là bà mặc chiếc áo sặc sỡ để xin cha mẹ đi chơi. Nhưng đến nơi thực hiện nhiệm vụ thì bên trong bà đã sẵn sàng màu áo dân công.
Trong 32 người nằm xuống, có nữ liệt sĩ Huỳnh Thị Điệp. Đau đớn xiết bao, khi cha mẹ chị phải dùng chính chiếc xe bò mà ngày nào chở con gái mình đi học, đi chợ sớm, giờ đây cũng dùng chiếc xe bò đó để mang xác con về. Kỷ vật duy nhất chị để lại chỉ là một tấm ảnh chị vừa kịp chụp trước lúc qua đời khi vừa tròn 23 tuổi, để lại đứa con gái 3 tuổi mồ côi trên đời. Tấm hình này đã trở thành hành trang theo con chị suốt cuộc đời.
Đất nước thanh bình, khói lửa chiến tranh đã lùi xa và nơi đây mãi ghi dấu cho bản hùng ca của những chiến sĩ dân công hỏa tuyến vùng ven Sài Gòn tải thương, tải đạn. Quê hương Bình Chánh ngày một phát triển và đổi mới, đó cũng chính là viết tiếp nên khát vọng của những người anh hùng của quê hương đã ngã xuống năm nào.