Vĩnh biệt cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

Chiều 8-7, truyền thông Nhật Bản đồng loạt đưa tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã qua đời sau khi bị một đối tượng bắn từ sau lưng vào lúc 11 giờ 30 (giờ địa phương) cùng ngày - thời điểm ông đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại TP Nara, miền Tây Nhật Bản.

Nghi phạm từng phục vụ trong SDF

Theo hãng tin Kyodo, nghi phạm Tetsuya Yamagami, 42 tuổi, đã dùng súng tự chế bắn thẳng từ phía sau lưng ông Abe Shinzo ở khoảng cách 10m và bị bắt giữ ngay sau đó. Đài truyền hình NHK dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết, nghi phạm đã khai với cảnh sát là chủ ý sát hại cựu Thủ tướng Abe vì không hài lòng với chính trị gia này. Nghi phạm từng phục vụ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong 3 năm và đang cư trú tại TP Nara. 

Hoạt động cuối cùng của ông Abe Shinzo
Văn phòng đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở Nara cho hay, sự xuất hiện của ông Abe tại sự kiện ở địa phương này mới được quyết định vào tối 7-7 và sau đó, các thông tin chi tiết được tiết lộ cho những người ủng hộ. Thủ tướng Kishida Fumio tin rằng an ninh đã được đảm bảo một cách phù hợp trong sự kiện và cho biết, nội các Nhật Bản sẽ nhóm họp khẩn cấp để ứng phó với vụ việc. Ông Fumio cũng lên án đây là “hành động tàn ác”.

Chưa bao giờ trong lịch sử Nhật Bản lại xảy ra một vụ ám sát chính khách lúc đang diễn thuyết, nhất là khi chính khách được người dân yêu quý, được tín nhiệm bầu làm thủ tướng tổng cộng 4 nhiệm kỳ như ông Abe Shinzo. Cái chết của ông Abe Shinzo sẽ là một vết thương rất lớn trong đời sống chính trị của Nhật Bản. Trong 60 năm qua, nước Nhật chưa từng có vụ ám sát nào nhằm vào các chính trị gia tầm cỡ như ông Abe Shinzo và các vụ xả súng là cực kỳ hiếm xảy ra ở đất nước này.

Lãnh đạo các nước chia sẻ 

Các nhà lãnh đạo và giới chức ngoại giao thế giới rất sốc về vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông cảm thấy sốc và nhấn mạnh, cựu Thủ tướng Abe là người bạn thực sự, một người bảo vệ mạnh mẽ trật tự đa phương. Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ người dân Nhật Bản và Thủ tướng Kishida Fumio vào thời điểm khó khăn này, đồng thời gửi lời cảm thông sâu sắc tới gia đình ông Abe. 

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ sự bàng hoàng và đau buồn trước vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe. Bên lề Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Bali, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, đại diện các ngoại trưởng G20, đã chia sẻ với Nhật Bản và trước đó đã cầu nguyện cho sức khỏe của cựu Thủ tướng Nhật Bản. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết vô cùng đau buồn vì ông xem ông Abe là một người bạn thân thiết. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng nêu rõ: “Chúng tôi rất bàng hoàng và buồn khi nghe tin về vụ tấn công cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Chính phủ Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình và luôn hướng suy nghĩ tới gia đình ông và người dân Nhật Bản”. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện chia buồn

Được tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần, ngày 8-7-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Trong điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, nhân dân Nhật Bản và gia quyến ngài Abe Shinzo; bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà ngài Abe Shinzo dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa.

Tính đến thời điểm hiện nay, ông Abe Shinzo là Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam nhiều nhất: 4 lần trong 8 năm đảm nhận vị trí Thủ tướng. Dưới thời ông Abe, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Nếu trong hơn 30 năm qua, Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam 30 tỷ USD, thì có đến 1/3 được thực hiện trong thời kỳ ông Abe làm Thủ tướng; số vốn đầu tư đăng ký của Nhật Bản vào Việt Nam lên tới 28 tỷ USD.  

TTXVN - PHƯƠNG NAM

Dấu ấn nổi bật

Ông Abe Shinzo sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống về chính trị. Ông trở thành Thủ tướng Nhật Bản lần đầu vào năm 2006, là người nhậm chức trẻ tuổi nhất trong số các thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến thứ 2 và là thủ tướng đầu tiên sinh ra sau cuộc chiến này. Ông quay lại làm Thủ tướng Nhật Bản thêm một nhiệm kỳ nữa vào ngày 26-12-2012. Tính tới ngày 24-8-2020, ông Abe lập kỷ lục với số ngày tại vị thủ tướng liên tiếp lâu nhất trong lịch sử nước này: 2.799 ngày.

Khi ông Abe được bầu vào nhiệm kỳ thứ 2, năm 2012, Nhật Bản đang trong tình trạng suy thoái kinh tế sau nhiều thập niên trì trệ. Ông Abe đã sớm đưa ra một thử nghiệm lớn, thường được gọi là “Abenomics”, giúp cải thiện nền kinh tế, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Về mặt ngoại giao, ông Abe là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ở khu vực và thế giới, góp phần định hình lại quan hệ chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại của Nhật Bản với các quốc gia khác. Dù ông Abe đã lùi về hậu trường hơn 2 năm nhưng tầm ảnh hưởng của ông vẫn còn khá rõ trong một số lĩnh vực. 

THANH HẰNG 

Tin cùng chuyên mục