(SGGPO).- Cuối tháng 2-2014, Phó Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ nhập viện cấp cứu vì xuất huyết bao tử. Từ Bệnh viện Quân dân miền Đông người nhà đã chuyển ông sang Bệnh viện Thống Nhất để tiếp tục điều trị. Trong thời gian này, dù được các y bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, chạy chữa, nhưng do tuổi cao, sức yếu, Phó Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 3 giờ 30 ngày 13-5-2014 (nhằm ngày 15-4, Giáp Ngọ), hưởng thọ 92 tuổi.
Phó giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú (ảnh), sinh năm 1923, tại Bắc Giang (Hà Bắc), thường trú tại số 45, đường 14, khu phố 6, phường Phước Long B, quận 9, TPHCM. Ông là một nhạc sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại của Việt Nam.
Lúc nhỏ, gia đình ông sống tại Hải Phòng. Trong bốn anh em ruột, ông cùng anh trai Hoàng Quý đặc biệt say mê âm nhạc. Từ niềm say mê này, khoảng năm 1939, hai anh em đã cùng một số bạn bè góp sức sáng lập Nhóm Đồng Vọng, hoạt động sôi nổi, rầm rộ, sáng tác khoảng 60 ca khúc có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc. Trong đó, một số tình khúc của nhóm như Cô láng giềng của Hoàng Quý và Bến xuân của Văn Cao cho đến nay vẫn được xem như những tuyệt phẩm của nền tân nhạc Việt Nam. Hoạt động của Nhóm Đồng Vọng trong làng âm nhạc Việt Nam thời tiền chiến đã tạo nên tiếng vang và có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Bản thân Phó giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ sớm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp tại miền Bắc. Ông rất tích cực sáng tác và hoạt động cách mạng. Các ca khúc Cảm tử quân, Sa trường hành khúc của ông đã ra đời trong giai đoạn này. Đặc biệt, ca khúc nổi tiếng nhất của ông Em đến thăm anh một chiều mưa, được sáng tác vào năm 1947, một ca khúc lãng mạn cách mạng, được rất nhiều người yêu thích. Sau ca khúc mang dấu ấn này, ông tiếp tục sáng tác hàng loạt những tác phẩm: Cấy chiêm, Nhớ ơn Hồ Chí Minh, Như hoa hướng dương, Tiếng chuông chiều thu, Tạ từ… Bên cạnh việc sáng tác ca khúc âm nhạc, ông còn rất nhiệt huyết với công việc nghiên cứu, biên soạn các giáo trình, sách giáo khoa chuyên khảo, viết các bài báo khoa học, sáng tác nhạc cảnh, hợp xướng, nhạc khí, nhạc sân khấu tuồng, chèo, cải lương, múa rối, điện ảnh, ca kịch, sưu tầm và phóng tác lời mới cho dân ca, dịch và hiệu đính sách về nghệ thuật và âm nhạc, viết các bài tham luận tham gia các hội nghị văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế… Đặc biệt, ông là một nhà nghiên cứu có thâm niên, uy tín trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc (nhạc truyền thống) và âm nhạc hiện đại.
Trong quá trình công tác và hoạt động nghề nghiệp, Phó giáo sư – nhạc sĩ Tô Vũ từng cùng các đồng chí Tạ Phước – Lê Yên, Thái Thị Liêm về Bộ Văn hóa xây dựng trường Âm nhạc Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Hiệu trưởng trường Sư phạm Thể dục và Âm nhạc Trung Ương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc và Múa Bộ Văn hóa – Thông tin, là một giảng viên tận tâm trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cho nhiều lứa học trò. Cả cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho cách mạng và con đường hoạt động nghề nghiệp nghiên cứu, sáng tác, giáo dục âm nhạc, góp sức xây dựng và làm phong phú nền nghệ thuật nước nhà, ông đã vinh dự đón nhận: Huân chương kháng chiến hạng 3, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng 1, Huân chương Lao động hạnh nhì, Huân chương Lao động hạng 1, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001…
Trong những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức khỏe không như ý, thế nhưng ông vẫn miệt mài với công việc – sự nghiệp sáng tác, sáng tạo nghệ thuật của mình. Khi nghỉ hưu, ông tiếp tục cộng tác làm việc với Nhạc viện TPHCM, Viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội và khoa ngữ văn trường ĐH KHXH&NV TPHCM với công việc chính là thành viên hội đồng xét duyệt các chương trình âm nhạc từ các nơi khác đến xin biểu diễn tại TPHCM, tiếp tục thực hiện một số chuyên đề nghiên cứu về âm nhạc, nhạc dân tộc, ấp ủ dự tính viết tập “Hồi ức và suy ngẫm”…
Nay Phó giáo sư – nhạc sĩ Tô Vũ đã ra đi, để lại bao niềm thương tiếc cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, bao thế hệ học trò, khán giả và đông đảo công chúng yêu nhạc, quý ông.
Linh cữu của ông được quàn tại Nhà tang lễ TPHCM, số 25, Lê Quý Đôn, quận 3, trong hai ngày. Ban tang lễ PGS-NS Tô Vũ gồm Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cùng với Nhạc Viện TPHCM, Hội Âm nhạc TPHCM và gia đình đã thông cáo: Lễ nhập quan lúc 14 giờ ngày 13-5, lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 14-5 tại Nhà Tang lễ TPHCM, lễ truy điệu tổ chức lúc 17 giờ ngày 14-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Thúy Bình