(SGGPO).- Sau một thời gian lâm bệnh nặng, soạn giả Mai Quân (tên thường gọi chú Năm Triều), đã trút hơi thở cuối cùng, về với đất mẹ vào lúc 16 giờ ngày 10-12, để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp và đặc biệt là những nghệ sĩ già yếu, neo đơn.
Soạn giả Mai Quân tên thật là Huỳnh Kim Thạch, sinh năm 1934, tại Bạc Liêu. Ông được gia đình cho học tiếng Hán, tiếng Pháp từ nhỏ. Năm 13 tuổi ông đi theo cách mạng và được đưa vào học ở Trường Trung học kháng chiến Nam bộ - Nguyễn Văn Tố, trường dành cho trí thức trẻ miền Nam, nằm giữa rừng U Minh. Năm 20 tuổi, ông được tổ chức phân công về Sài Gòn hoạt động văn nghệ quần chúng trong giới học sinh - sinh viên và các đoàn thể tiến bộ. Ông cũng chính là người đã khơi dậy phong trào dạy múa dân tộc ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Với những hoạt động tích cực của mình, năm 22 tuổi, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và bí danh Năm Triều xuất hiện từ đó.
Soạn giả Mai Quân
Hoạt động không được bao lâu, bí danh Năm Triều bị lộ, ông phải thay đổi công tác và gia nhập gánh cải lương Phước Chung, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng với danh nghĩa là soạn giả cải lương. Những vở tuồng của ông (nghệ danh Mai Quân) viết cho gánh Phước Chung nổi lên như một hiện tượng trong giới cải lương ngày đó, như: Nhụy hoa lan, Tuyết phủ chiều đông, Bên đồi trăng phủ, Lạnh hoàng hôn…
Trong vai trò là một soạn giả, ông luôn xác định tư tưởng: “Làm văn nghệ cũng là làm kháng chiến và người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ tấn công kẻ thù bằng ngòi bút của mình”.
Lúc bấy giờ, ông vừa hoạt động nghệ thuật vừa hoạt động bí mật ở nội thành, gầy dựng cơ sở cách mạng. Năm 1961, khi thành lập Tiểu ban Văn nghệ Sài Gòn - Gia Định, ông được bầu là ủy viên phụ trách sân khấu. Năm 1964, thành lập Đảng ủy văn hóa T4, ông là Đảng ủy viên phụ trách sân khấu và báo chí nội thành Sài Gòn.
Năm 1967, ông bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Năm 1974, ông được trao trả về Lộc Ninh. Sau đó công tác ở tiểu ban văn nghệ cũ, tiếp tục sáng tác những kịch bản, dàn dựng cho Đoàn Văn công TP biểu diễn phục vụ trong vùng giải phóng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).
Những năm 1990, ông giữ chức Trưởng ban Ái hữu nghệ sĩ, cùng các đồng nghiệp tích cực vận động các nhà hảo tâm đóng góp, trợ cấp nuôi dưỡng nghệ sĩ nghèo già yếu, neo đơn…
Theo cảm nhận của nhiều nghệ sĩ, soạn giả Mai Quân là người sống rất hòa đồng, giản dị, luôn hết mình vì những nghệ sĩ già yếu, neo đơn, không nơi nương tựa. Ông cũng là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng Ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM và Nghĩa trang chùa nghệ sĩ.
Xin vĩnh biệt ông – soạn giả Mai Quân – chú Năm Triều, người luôn sống vì đồng nghiệp, vì mọi người, vì tình nghệ sĩ!
| |
VÂN AN