Vĩnh biệt tráng sĩ của “bộ tứ sông Hồng”

Ông ra đi khi vẫn còn bao dự định âm nhạc còn dang dở, song ở trên cao xanh kia ông có thể mỉm cười bởi dấu ấn âm nhạc, phần thưởng âm nhạc lớn nhất mà một người nhạc sĩ như ông đã đạt được là sự tưởng thưởng, là tình yêu dành cho ông trong lòng công chúng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Sau một thời gian chiến đấu với bạo bệnh (ung thư tụy), nhạc sĩ Phó Đức Phương đã qua đời trưa 19-9 tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi. Gia đình, bạn bè và những người yêu mến nhạc sĩ “Chảy đi sông ơi” đều đã biết thời điểm để nói lời chia tay với ông cũng cận kề, song thật không dễ dàng khi đón nhận sự thật ấy. Người tráng sĩ của bộ tứ sông Hồng (Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương) đã rời cõi tạm. 

1. Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944. Năm 18 tuổi ông thi đỗ vào ngành Lý, ĐH Sư phạm. Tuy nhiên, năm 1965, giữa lúc gần tốt nghiệp, Phó Đức Phương xin thôi học với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn và trở thành nông trường viên thuộc Nông trường Cửu Long (tỉnh Hòa Bình). Đam mê văn học, lịch sử, hội họa và thơ ca, với những thành công qua 20 năm làm việc, nhạc sĩ Phó Đức Phương nằm trong số không nhiều “con chim đầu đàn” của một thế hệ nhạc sĩ trẻ đầy triển vọng thời trước.

Khán giả yêu thích các tác phẩm của ông thuộc mọi thế hệ, lứa tuổi, mọi tầng lớp vì chúng không chỉ mang giai điệu đẹp, lời ca hay mà còn những ý nghĩa gắn liền với thời cuộc của đất nước, của cuộc sống người dân Việt Nam.

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, một trong những đồng nghiệp có nhiều năm gần gũi nhạc sĩ Phó Đức Phương, chia sẻ: “Mỗi tác phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương là một câu chuyện kể bằng âm nhạc, mà cách kể của mỗi câu chuyện lại một khác. Những cốt truyện của ông nhiều khi được bắt nguồn từ vốn cổ, từ những điển tích, điển cố, nhưng tất cả đều có giai điệu, ca từ đắm đuối, chân tình, đưa người nghe tới tận cùng của cảm xúc”.

Tài sản âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương còn gồm hàng trăm tác phẩm viết cho sân khấu, múa, điện ảnh. Phần lớn những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ tuy đều ra đời từ các đơn đặt hàng của các đoàn nghệ thuật, đoàn làm phim, của doanh nghiệp… song mỗi tác phẩm đều thể hiện rõ sự tìm tòi, đầu tư và đặc biệt là cảm được chất âm nhạc dân gian thuần khiết trong đó.

Âm nhạc của Phó Đức Phương đậm đặc văn hóa của vùng đồng bằng Bắc bộ với Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Về quê, Không thể và có thể, Hồ trên núi, Chảy đi sông ơi, Huyền thoại Hồ Núi Cốc, Lội dòng sông quê, Bên dòng sông Cái, Bài ca Thần Chim Lạc, Hội thề Mê Linh, Văn Giang - Một khúc sông Hồng... Với ông, văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ đã nằm sẵn trong mạch máu, trong xương tủy. Đến tận những ngày cuối đời, nhạc sĩ tài hoa này không ngừng khát khao được cống hiến cho âm nhạc. 

2. Ngoài các sáng tác nổi tiếng, Phó Đức Phương cũng được biết đến là người quyết liệt trong việc bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc cho các nhạc sĩ. “Suốt 18 năm hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả âm nhạc, tôi đã dành hết tâm huyết và trách nhiệm của mình cho việc xây dựng một tổ chức quản lý tập thể, hoạt động sao cho có kết quả tốt nhất trong hoàn cảnh thực tế của đất nước cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể của trung tâm”, nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ về quãng thời gian ông làm giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Khi ấy, nhận thức về bản quyền và đặc biệt là bản quyền âm nhạc còn rất mới mẻ mà cái mới lại thường hay bị kỳ thị, ghẻ lạnh. Bởi thế, đã không ít người cho rằng Phó Đức Phương “hâm, dở” khi đang ở đỉnh cao của người nghệ sĩ lại bỏ đi làm cái công việc “vác tù và hàng tổng” - đòi tác quyền cho các nhạc sĩ.

“Song với nỗ lực không mệt mỏi trong lĩnh vực bản quyền, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương nhiều năm gầy dựng đã trở thành tổ chức tiên phong trong việc đấu tranh cho quyền lợi của giới nhạc sĩ”, nhạc sĩ Cát Vận bày tỏ.

Cả cuộc đời cống hiến cho âm nhạc, đến năm 2016, nhạc sĩ Phó Đức Phương mới ra mắt liveshow đầu tiên và tháng 7 vừa qua, gia đình, bạn bè và những người yêu mến đã làm đêm nhạc thứ hai của riêng ông với tên gọi “Khúc hát phiêu ly”. Đêm nhạc đặc biệt do những người bạn tri âm, tri kỷ, do các con ông dàn dựng, tái hiện lại chặng đường hơn 50 năm âm nhạc của ông, như tiếp thêm sức lực cho nhạc sĩ này có thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua bệnh tật. 

Rất lạc quan, mạnh mẽ và kiên cường, song sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của đời người. Ca sĩ Tùng Dương nghẹn ngào đau xót và tiếc thương khi nhận được tin nhạc sĩ Phó Đức Phương - người mà anh luôn yêu quý kính trọng như một người bạn lớn, ra đi. “Tôi sẽ luôn nhớ tới ông - người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ nhất mà mình từng biết”, Tùng Dương nói. Mỗi lần nói chuyện với nhạc sĩ Phó Đức Phương, anh nhận thấy ở ông sự đồng cảm, thấu hiểu mọi cảm xúc, nhãn quan của một người từng trải cùng sự điềm tĩnh của một người con nặng tình với quê hương. Cái “tầm vóc” của một nghệ sĩ lớn và cảm hứng bất tận mà ông truyền lại cho nam ca sĩ khiến anh thấy thực sự thú vị và không nề hà chạy tới mỗi khi ông gọi.

Ông ra đi khi vẫn còn bao dự định âm nhạc còn dang dở, song ở trên cao xanh kia ông có thể mỉm cười bởi dấu ấn âm nhạc, phần thưởng âm nhạc lớn nhất mà một người nhạc sĩ như ông đã đạt được là sự tưởng thưởng, là tình yêu dành cho ông trong lòng công chúng.

Tin cùng chuyên mục