VISSAN tăng tốc bán hàng trực tuyến, mở hướng tăng trưởng mới

Giữa bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và sức mua phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) vẫn duy trì được chuỗi cung ứng ổn định, giữ vững thị phần, tăng trưởng cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, kênh bán hàng trực tuyến đang trở thành điểm sáng chiến lược của doanh nghiệp trong hành trình mở rộng thị trường và thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.

Siêu thị SatraMart tại TTTM Centre mall 1466 Võ Văn Kiệt
Siêu thị SatraMart tại TTTM Centre mall 1466 Võ Văn Kiệt

Online tăng tốc, doanh thu tăng trưởng ấn tượng 73%

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, ông Trương Hồng Phong, Chủ tịch HĐQT VISSAN đánh giá: “Thị trường nửa đầu năm nay đầy thử thách với giá nguyên liệu tăng mạnh và tiêu dùng chậm phục hồi. Tuy nhiên, nhờ chiến lược điều hành linh hoạt, tập trung vào hiệu quả thay vì tăng trưởng hình thức, VISSAN đã cơ bản giữ ổn định hoạt động và tạo được những mảng sáng rõ rệt”.

Theo báo cáo, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của VISSAN ước đạt 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 40 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,57 triệu đồng/người/tháng, vượt 17,4% so với kế hoạch. Đáng chú ý, mảng thương mại điện tử tiếp tục là động lực mới với doanh thu khoảng 7,6 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2024.

Với sự mở rộng nhanh trên các nền tảng như Vissanmart.com, ShopeeFood, GrabFood, TikTok Shop, sắp tới là Lazada, VISSAN không chỉ đẩy mạnh phân phối mà còn tận dụng công cụ bán hàng số như livestream, ưu đãi độc quyền và tặng quà kèm đơn hàng. Theo ông Phong, đây là chiến lược dài hạn của VISSAN nhằm chiếm lĩnh “không gian số” trong hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ.

“Doanh thu online tuy còn chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng là chỉ báo rất tích cực. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là một kênh quan trọng giúp VISSAN mở rộng thị phần và xây dựng thương hiệu theo cách hiện đại, thân thiện và gần gũi hơn với người tiêu dùng”, ông Phong nhấn mạnh.

POSTER GIÒ BÌ ỚT XIÊM-3.jpg
Sản phẩm mới "Giò Bì Ớt Xiêm"

Tổng Giám đốc VISSAN Lê Minh Tuấn cũng chia sẻ: “Thương mại điện tử không chỉ là kênh bán hàng mà còn là nơi thử nghiệm sản phẩm, kiểm tra phản ứng thị trường nhanh chóng. Việc đầu tư bài bản vào kênh này đang giúp VISSAN mở ra dư địa tăng trưởng mới, bổ trợ hiệu quả cho kênh truyền thống”.

Sản phẩm chế biến giữ vai trò trụ cột, hệ thống phân phối mở rộng mạnh

Song song với thương mại điện tử, VISSAN tiếp tục giữ ổn định các ngành hàng truyền thống. Mảng thực phẩm tươi sống vốn chịu nhiều biến động từ giá heo hơi và nguồn cung được duy trì ổn định nhờ công ty chủ động ký hợp đồng nguyên tắc với các trang trại quy mô lớn, đẩy nhanh kế hoạch tái đàn tại Xí nghiệp chăn nuôi Bình Thuận và triển khai dự án mới tại Bình Dương. Với thịt bò, công ty tiếp tục hợp tác với Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA), đồng thời tăng cường khai thác bò nội địa để đa dạng hóa nguồn cung.

Trong khi đó, nhóm hàng thực phẩm chế biến – trụ cột chiến lược tiếp tục tăng trưởng ổn định với gần 9.000 tấn được tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm. Các sản phẩm như xúc xích, thịt hộp, lạp xưởng duy trì sản lượng tốt, trong đó thịt hộp tăng mạnh nhờ bao bì cải tiến và mở rộng vào hệ thống Horeca như bếp ăn trường học, nhà hàng, khu công nghiệp.

Tổng Giám đốc Lê Minh Tuấn cho biết: “Chúng tôi đang tái cơ cấu danh mục sản phẩm theo hướng tinh gọn, tối ưu năng lực sản xuất, tập trung vào các nhóm sản phẩm có khả năng thích ứng tốt với nhiều kênh phân phối và hành vi tiêu dùng mới. Một số sản phẩm như Hotdog Wow! hay Giò bì ớt xiêm xanh đang nhận được phản hồi rất tích cực từ thị trường”.

Cùng với đổi mới sản phẩm, hệ thống phân phối của VISSAN tiếp tục được mở rộng. Trong 6 tháng, công ty đã mở mới 1.679 điểm bán, gồm 109 điểm kênh hiện đại (MT), 1.512 điểm thuộc kênh truyền thống (GT), 23 điểm ở kênh Horeca và 35 điểm thuộc các kênh khác. Doanh nghiệp triển khai đồng loạt các hoạt động marketing tại điểm bán, khuyến mãi và truyền thông thương hiệu để tăng độ phủ và mức nhận diện trong tâm trí người tiêu dùng.

Đổi mới mô hình vận hành, đầu tư công nghệ và nhân lực

Để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh chi phí ngày càng cao, VISSAN đã triển khai hàng loạt giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành. Công ty áp dụng phần mềm Cloud Office, hệ thống FBO, HRonline và các thiết bị hỗ trợ bán hàng như máy tính bảng, tủ mát bảo quản sản phẩm chế biến… Các ứng dụng này giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn chất lượng, truy xuất nguồn gốc và năng suất lao động. Đặc biệt phù hợp với yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía đối tác và thị trường xuất khẩu.

VISSAN 4-OK.jpg
Công tác kiểm tra sản phẩm VISSAN tại nhà máy Bắc Ninh

Về tổ chức, VISSAN tiếp tục tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hợp nhất các bộ phận chức năng tương đồng, ban hành 14 quyết định về tổ chức lại bộ máy. Doanh nghiệp cũng tổ chức hơn 2.100 lượt đào tạo với các chuyên đề quản trị chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và văn hóa quản trị nội bộ.

“Muốn tăng trưởng bền vững thì không chỉ bán được nhiều sản phẩm, mà còn phải tổ chức tốt bên trong. VISSAN đang bước vào giai đoạn cần tinh giản bộ máy, tăng tính liên kết giữa các phòng ban và chú trọng đào tạo kỹ năng theo hướng hiện đại”, ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thực phẩm phải đối mặt với áp lực kép từ giá nguyên liệu và tiêu dùng yếu, VISSAN vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ chiến lược điều hành linh hoạt, đầu tư bài bản cho kênh thương mại điện tử và đổi mới danh mục sản phẩm. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban điều hành và Hội đồng Quản trị, cùng với việc đẩy nhanh các dự án chăn nuôi, mở rộng phân phối, chuyển đổi số và tối ưu vận hành đang tạo nên thế trận phát triển đa kênh – đa nền tảng cho VISSAN. Doanh nghiệp không chỉ giữ vững vị thế trong nước, mà còn sẵn sàng bước ra thị trường quốc tế bằng sản phẩm chất lượng và tinh thần đổi mới.

Tin cùng chuyên mục