KỶ NIỆM 101 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT (23-11-1922 - 23-11-2023)

Võ Văn Kiệt - một đời vì dân

Nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhiều người nghĩ ngay đến bí danh thân thương của ông: Sáu Dân. Ông Sáu Dân trong lòng dân là người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Với người dân cả nước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nổi tiếng là người có tư duy đổi mới, sáng tạo, có những đóng góp rất quan trọng cho công cuộc đổi mới của TPHCM và cả nước.

Dấu ấn Sáu Dân - Võ Văn Kiệt

Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Bí thư Đảng ủy Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, sau đó là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, rồi Bí thư Thành ủy TPHCM (1975-1982), ông Võ Văn Kiệt đã cùng với tập thể Thành ủy lao vào khắc phục những khó khăn muôn trùng của thời hậu chiến, nỗ lực không mệt mỏi để xóa bỏ tàn dư cũ, xây dựng đời sống mới. Sau này, khi đã trở thành Thủ tướng Chính phủ, nhớ lại những ngày tháng đó, ông Kiệt đã tâm sự với những người gần gũi rằng, với ông, đó là thời gian thử thách lớn nhất bản lĩnh của người lãnh đạo - người công bộc của nhân dân.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm hỏi cán bộ công nhân thi công đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh (tháng 5-2003). Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm hỏi cán bộ công nhân thi công đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh (tháng 5-2003). Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Trong lúc người dân thành phố thiếu gạo, những quy định ngặt nghèo của Nhà nước lúc đó về giá thu mua gạo, về vận chuyển gạo chẳng khác một “trái núi” chắn đường các quyết định của thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn. Ông Kiệt họp Thành ủy liên tục. Cuộc nào nội dung chính cũng xoay quanh: “Bằng mọi cách phải có gạo cho dân. Cách nào?…”. Và rồi, cuộc họp tính đến chỉ còn cách cho phép Công ty Lương thực của thành phố cùng các sở, ngành về các tỉnh mua lúa gạo theo sát giá thị trường, cao gấp 5 lần giá thu mua của Nhà nước rồi chuyên chở gạo thu mua được về thành phố. Cả hai cách đều không đúng với quy định hiện hành. Không ít cán bộ lo lắng. Chính vào lúc đó, ông Kiệt đã phát biểu một câu mà đến giờ nhiều người vẫn còn nhắc: “Nếu vì việc lo cho dân mà vi phạm quy định, cán bộ phải đi tù thì tôi sẽ đi đưa cơm cho các anh chị”.

Không chỉ câu chuyện gạo, dấu ấn Võ Văn Kiệt đến nay vẫn được nhắc đến rất nhiều ở việc góp phần xóa bỏ cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp, hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước; cũng như qua những công trình đặc biệt: thủy điện Trị An, khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, các đại học quốc gia, các khu công nghệ cao, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam...

Quy tụ, lắng nghe người tài

Nhưng, tầm nhìn xa của ông Võ Văn Kiệt không chỉ ở việc kiên trì theo đuổi các vấn đề mang lại lợi ích cho dân mà ông còn là tấm gương trong quy tụ, lắng nghe người tài. Năm 1981, ông Kiệt đã chỉ đạo thành lập Văn phòng Kinh tế của Bí thư Thành ủy và giao trách nhiệm đứng đầu cho tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh - người từng là Phó Thủ tướng (rồi quyền Thủ tướng trong 2 năm 1964-1965) của chế độ cũ. Với quyết định này, chú Sáu Dân đã trở thành vị lãnh đạo cấp cao đầu tiên sau năm 1954 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (ở Việt Nam) mạnh dạn sử dụng nhân sự cấp cao của chính quyền cũ vào những vị trí quan trọng.

Không chỉ trường hợp tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, chú Sáu Dân còn sớm tin dùng một số người khác đã từng làm việc trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa, như Thống đốc Ngân hàng và Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Hảo, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tiến sĩ hải dương học Bùi Thị Lạng, luật sư Nguyễn Phước Đại...

Có thể nói, hầu như không một quyết định nào của ông ở cương vị người lãnh đạo thành phố, và sau này là đất nước, mà ông không tập hợp, lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học và tìm hiểu kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Ông coi trọng, chọn lọc và sáng suốt tiếp thu ý kiến của các trí thức Việt kiều, các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện để họ phụng sự đất nước. Đặc biệt là câu chuyện của ông Kiệt với anh em Nhóm Thứ Sáu (các chuyên gia kinh tế từng làm việc trong chế độ cũ ở lại Sài Gòn - TPHCM sau năm 1975) là một minh chứng sinh động cho việc quy tụ, lắng nghe người tài.

Thắp lửa tin yêu cho người trẻ

Trong rất nhiều điều đã được nghe kể về năng lực truyền cảm hứng tích cực của ông Kiệt, tôi nhớ câu chuyện về kỹ sư Nguyễn Duy Nguyên, con của một trung tá quân đội Việt Nam Cộng hòa thuộc diện phải học tập cải tạo sau ngày 30-4-1975. Năm 1980, đền đáp sự khó khăn của mẹ tần tảo buôn bán nuôi 7 đứa con, Nguyên đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại TPHCM. Sau khi Nguyên được Báo Tuổi Trẻ, Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài biểu dương, một hôm gia đình Nguyên tiếp một vị khách lạ, đó là ông Nguyễn Văn Huấn (sau này là Phó Chủ tịch UBND TPHCM). Ông Huấn nói: “Bác Võ Văn Kiệt đọc báo, biết tin cháu đỗ thủ khoa nên cử chú đến thăm hỏi gia đình và cháu”. Tại buổi trò chuyện, Nguyên cho biết tâm nguyện là mong cha sớm được đoàn tụ gia đình. 2 tháng sau, cha Nguyên được về nhà.

Tốt nghiệp xuất sắc Đại học Bách khoa, Nguyên về công tác tại Công ty Chiếu sáng vỉa hè. Học giỏi môn Hóa, Nguyên mày mò thử nghiệm thành công kỹ thuật xi mạ trên nhựa và mạnh dạn bước ra thương trường. Thành công, Nguyên lập xưởng mang tên Thiện Mỹ, được hãng xe máy Yamaha của Nhật Bản biết tới, chọn làm sản phẩm xi mạ cho họ khi Yamaha triển khai lắp ráp xe máy tại Việt Nam. Công ty Xi mạ Thiện Mỹ của Nguyên là một trong 400 doanh nghiệp Việt Nam được JETRO (Nhật Bản) bình chọn xuất sắc trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Trong thành công hôm nay của Nguyễn Duy Nguyên có bóng dáng của ông Võ Văn Kiệt - người đã thắp lên ngọn lửa tin yêu trong trái tim chàng trai 18 tuổi ngày nào!

Tin cùng chuyên mục