Với nghệ sĩ piano Bích Trà: Cuộc phỏng vấn không chính thức

Với nghệ sĩ piano Bích Trà: Cuộc phỏng vấn không chính thức

Hai chị em, đứa ngả nghiêng bên đống gối, đứa sóng soài vắt ngang giường trong tư thế rất tiện lợi cho những trận cười thả phanh giữa các thông tin nhảy cóc từ chuyện đời sang chuyện nghề - một “liên khúc” không giới hạn đề tài Đông Tây, xa gần, to nhỏ, chung riêng... Cũng không có người phỏng vấn và người được phỏng vấn, không có những câu hỏi khuôn sáo và những câu trả lời bóng bẩy, không có máy ghi âm, tất nhiên, còn giấy bút ghi chép thì quăng đâu đó vì chẳng mấy chốc cả hai đều quên là đang chơi trò phỏng vấn.

Kể từ lần đầu tiên gặp gỡ, lúc Trà mới được... vài tháng tuổi, tôi quen coi Trà như cô em bé bỏng dù nay cô em lừng lững cao hơn chị cả cái đầu. Cho nên tôi hiểu rằng bất kể “thâm niên” hơn hai chục năm quyết chí sống với nghề ở xứ người - mười năm đèn sách ở nước Nga tuyết trắng từ tuổi 14 và trọn một giáp tính đến nay vừa học vừa làm ở Anh Quốc sương mù - thì người phụ nữ đầy tự tin kia trong mắt mẹ mình vẫn không thôi là “em bé của mẹ”.

Bích Trà biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Bích Trà biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.

“Em bé của mẹ đã lớn!” – Tôi muốn nói vậy với người mẹ - NSND Trà Giang - ngay sau khi nghe Bích Trà đàn bản concerto số 2 của Beethoven cùng nhạc trưởng Phi Phi và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 27 và 28-8-2009. Tôi còn muốn thêm rằng từ “Lớn” này tôi muốn viết bằng chữ cái in hoa. Điều đó hoàn toàn chẳng liên quan gì đến ngoại hình to cao hay tuổi đời trưởng thành, mà được hiểu theo nghĩa bóng về sức sáng tạo và bản lĩnh của cái tôi nghệ sĩ.

Trà cho tôi cảm nhận về Beethoven không hẳn như một tượng đài uy nghi hoành tráng, và “người hùng” âm nhạc thế kỷ XVIII trở nên quyến rũ hơn với những khoảnh khắc vừa duyên dáng vừa hóm hỉnh, vừa hồn nhiên vừa nồng nhiệt.

- Chị thích Beethoven của em. Đố em biết chị khoái nhất chương nào?

- Chương II! – Một tràng cười ha hả cho đáp án đúng – Chính vì chương II mà em nhận trình diễn số 2 đấy, chứ nếu được tự chọn em đã “đánh” số 4 rồi.

Chương chậm đó được Trà thể hiện hấp dẫn mê hồn với những câu đối thoại cùng dàn nhạc trong âm lượng khẽ khàng và thanh thoát. Nếu tả Beethoven ở đó đẹp như thế nào, thì phải dùng những tính từ nghe có vẻ như đang nói về Mozart. Quả thật concerto số 2 có nhiều nét gần gũi với vị tiền bối thánh thiện của Beethoven và sự khác biệt lớn chỉ bắt đầu từ bản số 3, nhưng người biểu diễn theo lẽ thường vẫn tô đậm chất bi hùng, dữ dội, quyết liệt. Còn Trà thì không!

- Sự mạnh mẽ, chất anh hùng ca chẳng cần nhấn thêm cũng đã có ở đó rồi. Trong Beethoven có tất cả, toàn bộ cuộc sống. Mọi ngóc ngách tình cảm đều sâu sắc. Chính vì thế, sự tương phản rất lớn và em muốn tận dụng những yếu tố tương phản đó.

- Em muốn biểu hiện ý chí mạnh mẽ, lạc quan không bằng cách cường điệu tính cương quyết, quả cảm, mà dùng sự tương phản của cái đối lập là vẻ dịu dàng, mềm mại, tinh tế, lắng sâu?

- Và cả nét tươi sáng, hóm hỉnh nữa.

- Đó là cái riêng trong “Beethoven của Bích Trà”?

- Em không cố tạo ra cái riêng. Nếu có thì tự nó bộc lộ một cách không tính toán.

Tất cả bắt nguồn từ cảm xúc chân thành và tự nhiên - hẳn phải là tự nhiên rồi vì Trà “hít thở” âm nhạc như dưỡng khí để sống. Song làm sao để mọi thứ có được vẻ tự nhiên như thế mà vẫn tạo nên một tổng thể hợp lý? Có lẽ nhờ sự hài hòa giữa tâm hồn và trí tuệ. Thật giản đơn mà lại khó nắm bắt, ấy là mối tương quan giữa cảm và trí, là sự kết hợp tài tình giữa thứ “giời cho” với vốn kiến thức và kinh nghiệm. Và cái riêng mỗi nghệ sĩ cũng từ đó mà ra!

Tập tành chăm chỉ để lao vào tranh tài giật giải hết concours này đến concours khác – không, đó không phải mục đích của Trà. Trước đây tham dự concours là vì tò mò, vì muốn thêm cơ hội tiếp xúc. Sau này ham đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều cũng vì tò mò. Khát vọng học hỏi nghề nghiệp và trải nghiệm cuộc sống thực ra đều xuất phát từ bản tính tò mò.

Cô bé tò mò trong Trà không ngại đo sức mình với những thử thách mới, không ngừng mở rộng danh mục biểu diễn bằng các tác phẩm nổi tiếng của nhiều tác giả khác nhau. Cô bé tò mò đó cũng không chịu dừng ở những nhạc phẩm được xếp hạng kinh điển của nhân loại, mà còn kiếm tìm và làm sống lại những sáng tác bị lãng quên hoặc chưa được biết đến.

Kể về những lúc vùi đầu trong thư viện, lần giở những trang tổng phổ cũ kỹ để khám phá những giá trị phi vật thể của quá khứ, Trà không kìm được sự phấn khích: “Hay lắm chị ơi!”. Những “hay lắm” ấy đã và sẽ được Trà trình diễn và thu âm. Không chỉ khôi phục cái đẹp bị thời gian che lấp, Trà còn phát hiện và giới thiệu cái hay trong những sáng tác mới với sự hào hứng không kém. Biểu diễn những tác phẩm nhạc thể nghiệm của nhà soạn nhạc Mỹ thế kỷ XX Leo Ornstein tại Washington năm 2008, thu đĩa những tác phẩm ít phổ cập của nhà soạn nhạc Thụy Sĩ thế kỷ XIX - Joachim Raff tại Thụy Điển năm 2009 là một phần trong kết quả của các cuộc “săn tìm kho báu” của Bích Trà.

Nhà khảo cổ nhạc kinh điển kiêm vai trò bà đỡ cho những sáng tác đương đại, kiêm cả nghĩa vụ đại sứ văn hóa tận dụng mọi cơ hội giới thiệu tác phẩm khí nhạc Việt Nam ra thế giới, lại còn gánh thêm trách nhiệm làm thầy nữa chứ... Quá nhiều dự án, quá nhiều đam mê! Niềm vui lấp lánh mỗi khi Trà nhắc đến đám trò nhỏ biết đặt ra những câu hỏi tranh cãi với cô và những buổi học cả cô lẫn trò “nói nhiều hơn đàn”. Bỗng một chút băn khoăn gợn lên trong ánh mắt:

- Em rất mong có dịp truyền lại cho học trò “nhà mình” những gì đã thu lượm khắp đó đây, nhưng chỉ một lần được Nhạc viện TP Hồ Chí Minh mời rồi thôi, chắc không thấy cần!

Trời đất ơi, chúng ta không cần thật sao???

NGUYỄN THỊ MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục