Vốn đầu tư công đều bố trí cho các dự án quan trọng cấp bách

Ngày 17-1, tại phiên họp trong kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cụ thể, về dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến đề nghị báo cáo rõ về tính cấp bách của các dự án khi bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

2-2491.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chính phủ đề xuất sử dụng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để dự kiến tập trung bố trí cho 50 dự án thuộc 5 ngành và dành 57.735 tỷ đồng/63.725 tỷ đồng bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm. Danh mục các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đã được Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương rà soát kỹ lưỡng về tính cần thiết, cấp thiết và đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về vấn đề này.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng chưa quyết định phân bổ cụ thể đối với số vốn 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Chính phủ chỉ báo cáo để Quốc hội quyết định việc dành số vốn này cho 17 dự án, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án. Khi đủ thủ tục đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trước khi Chính phủ giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương; trường hợp cấp bách, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định và sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Như vậy, việc sử dụng vốn cho các dự án chỉ được thực hiện trên cơ sở tuân thủ và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

chu-nhiem-uy-ban-tai-chinh-ngan-sach-cua-quoc-hoi-le-quang-manh-2919.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: VIẾT CHUNG

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ thuyết minh cụ thể đối với các trường hợp bố trí vượt mức quy định, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, đây là các dự án nhằm thực hiện đề án xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị. Danh mục các dự án này đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị.

UBTVQH cũng thấy rằng, danh mục dự án Chính phủ trình đã được rà soát kỹ và được bố trí vốn tập trung cho 5 ngành, lĩnh vực quan trọng.

Về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội. Đáng chú ý, đối với cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đa số ý kiến đồng tình với việc thực hiện cơ chế này. Do đó, UBTVQH thể hiện trong nghị quyết, tuy nhiên, việc chọn huyện để thực hiện thí điểm nên giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để lựa chọn không quá 2 huyện mỗi tỉnh.

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ngay trong ngày 16-1, Chính phủ đã có Báo cáo số 18/BC-CP về ý kiến đối với tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật. Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (không thay đổi số điều so với dự thảo luật trình Quốc hội vào ngày 15-1-2024). Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tiến hành cho ý kiến; đại diện Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu.

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, trên cơ sở ý kiến tại phiên họp của UBTVQH, với sự nỗ lực cao nhất, khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, dự thảo để UBTVQH cho ý kiến lần nữa bằng văn bản và gửi đến đại biểu Quốc hội ngay trong ngày 17-1 để đại biểu có thời gian nghiên cứu xem xét trước khi quyết định bấm nút thông qua vào sáng 18-1.

Tin cùng chuyên mục