Vụ gián điệp hai mang của Nga bị đầu độc: Liên minh châu Âu vào cuộc

Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Anh liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông này tại Salisbury (Anh) ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Anh gặp gỡ lãnh đạo các nước EU bên lề cuộc họp thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ
Thủ tướng Anh gặp gỡ lãnh đạo các nước EU bên lề cuộc họp thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ
Ngày 23-3, các nhà lãnh đạo EU ủng hộ quan điểm của Anh và quyết định triệu hồi đại sứ của khối tại Nga. 
Nỗi lo của Anh

Cuộc tranh cãi Nga - Anh liên quan đến vụ việc trên đã trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ việc này song không đưa ra bất cứ bằng chứng xác thực nào, trong khi Nga kiên quyết bác bỏ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh để thảo luận về “chính sách đối địch và gây hấn của Anh đối với Nga”.

Trước đó, tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo EU ngày 22-3 tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi EU có phản ứng tập thể nhằm vào Nga. Hiện Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và hy vọng những đồng minh châu Âu cũng sẽ có các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga. Thủ tướng May cho rằng vụ tấn công bằng chất độc thần kinh tại Salisbury chính là “một kiểu xâm lược của Nga nhằm vào châu Âu và các nước láng giềng gần Nga, từ Tây Balkan đến cận Đông”, đồng thời nhấn mạnh đến cam kết của Anh đối với an ninh của EU thời hậu Brexit.   

Trong lúc này, giới chức an ninh Anh đang lo ngại Nga có thể cho công bố danh tính các nhân viên tình báo Anh liên quan đến căng thẳng giữa 2 nước thời gian gần đây. Theo tờ The Independent, trong số 23 nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Anh bị Mátxcơva trục xuất có nhân viên của Cơ quan tình báo mật (MI6 - Tình báo quân đội) của Anh. Do đó, London có cơ sở để lo ngại Mátxcơva có thể sử dụng các kênh như WikiLeaks nhằm công khai rộng rãi thông tin về các điệp viên Anh như một đòn trả đũa. 

EU cân nhắc

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, cả lãnh đạo EU và Anh đều cho rằng nhiều khả năng Nga sẽ phải chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc này. Ngày 23-3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định triệu hồi đại sứ của khối tại Nga sau khi ủng hộ quan điểm của Anh cho rằng Mátxcơva liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái. Động thái trên xuất hiện sau khi các nhà lãnh đạo EU cho rằng “có khả năng cao” Nga đứng sau vụ tấn công cựu điệp viên Skripal. 

Phát biểu với các phóng viên sau ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels diễn ra cùng ngày, một quan chức cấp cao EU cho biết một số nước thành viên EU đang xem xét khả năng trục xuất các nhà ngoại giao Nga hoặc triệu hồi các nhà ngoại giao của mình tại Nga. Trong số các nước EU đang cân nhắc triệu hồi nhà ngoại giao hoặc trục xuất nhà ngoại giao Nga có Ba Lan, Pháp và 3 nước Baltic. 
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức đã tiến hành cuộc hội đàm đặc biệt bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU để thảo luận về vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh. Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ thảo luận về một thông cáo chung của 28 nước thành viên EU liên quan tới vụ tấn công. Trước đó, ngày 22-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố có thể sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan tới vụ việc. Bà Merkel kêu gọi EU đoàn kết với nhau để cùng hành động.

Tin cùng chuyên mục