(SGGPO).- Sáng nay 22-3, TAND tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử Trần Minh Lợi, SN 1968, ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cùng đồng phạm về tội “Đưa hối lộ” sau một năm bị bắt tạm giam.
Tham gia bào chữa cho bị cáo Trần Minh Lợi có 7 luật sư. Thẩm phán Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, làm chủ tọa phiên tòa. Dự kiến phiên tòa diễn ra đến hết ngày 23-3-2017.
Trần Minh Lợi (áo vàng) và các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Công Hoan
Sau phần kiểm tra căn cước, bị cáo Trần Minh Lợi và các luật sư bào chữa đề nghị HĐXX cần cho triệu tập thêm nhân chứng như: đại diện lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk, ông Tạ Quang Huy (cán bộ điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk), một cán bộ của Viện KSND tối cao tại Đà Nẵng, nhân viên quán cà phê Giọt Đắng (huyện Đắk Mil, nơi diễn ra việc đưa tiền cho Lãnh Thanh Bình), vợ và hai con của bị cáo Trần Minh Lợi…
Các luật sư cũng đề nghị cần phải xem xét lại tư cách nhân chứng của ông Y Nam (cán bộ điều tra Công an huyện Đắk Mil) và Nguyễn Đức Trọng (Tổ trưởng tổ tín dụng Phòng Giao dịch Đại Lộc, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk). Các luật sự tiếp tục đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa do thiếu nhiều nhân chứng và chưa đảm bảo khách quan. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định không hoãn phiên tòa và tiếp tục xét xử.
Đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, đại diện ngân hàng không liên quan đến vụ án, các nhân chứng khác trong quá trình điều tra đã làm việc, có lời khai, riêng đối với vợ và các con Trần Minh Lợi không cần thiết phải mời vì quá trình Lợi phạm tội vợ và con không biết. Việc không mời các nhân chứng không ảnh hưởng đến tính khách quan của phiên tòa. Do đó, chủ tọa phiên tòa không chấp nhận ý kiến của bị cáo và các luật sư, chấp nhận kiến nghị của đại diện Viện KSND tỉnh Đắk Nông.
Dự phiên tòa sơ thẩm hình sự sáng nay có khá đông người dân tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Trong đó, nhiều người dân tại Đắk Lắk đã phải bắt xe đò vượt hàng trăm km đến theo dõi. Trong số này, rất đông là người thân của bị cáo Trần Minh Lợi.
Trần Minh Lợi (bên phải ảnh) đang chờ làm thủ tục xử án. Ảnh: Công Hoan
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông, vào ngày 15-1-2016, Công an huyện Đắk Mil đã bắt quả tang Hồ Đức Băng, Võ Ngọc Hà, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Ngọc Quý, Lương Văn Thanh và Nguyễn Ngọc Hậu đang đánh bạc với hình thức xóc đĩa, tang vật thu được là 4,09 triệu đồng. Biết tin, Huỳnh Thị Cao Thương (vợ Hà), Nguyễn Thị Tý (mẹ Hậu), Trương Thị Lan (vợ Băng) gặp Huỳnh Kim Cao Trí (anh trai Thương) bàn cách xin tại ngoại cho người thân. Do quen biết từ trước, Trí gọi điện cho Lãnh Thanh Bình (công tác tại Công an huyện Đắk Mil) thì Bình cho biết có tham gia bắt vụ đánh bạc, không có thẩm quyền giải quyết nhưng lại hướng dẫn viết đơn xin tại ngoại.
Sau khi nghe Lan nói muốn bảo lãnh phải đưa 20 triệu đồng nên Nguyễn Xuân An (em con dì của Băng) đã gọi điện cho Bình (bạn học cấp 3) để hỏi. Thông qua mạng xã hội facebook, An biết Lợi thiết lập trang cá nhân phòng chống tham nhũng nên nói với Lợi về việc muốn tại ngoại phải đưa 20 triệu đồng/người. Theo sự hướng dẫn của Lợi, vào ngày 21-1-2016, An, Trí, Tý đã gặp Bình ở quán cà phê và đưa cho Bình tổng cộng 60 triệu đồng. Sau khi có các đoạn ghi âm, ghi hình, Lợi không tố cáo ngay mà dùng các tài liệu này đe dọa, khống chế Bình tác động cho Băng, Hà, Hậu tại ngoại và trả lại tiền. Bình khai Lợi đã ép buộc Bình đưa 500 triệu đồng nếu không đưa thì sẽ tố cáo. Bình đã đưa được 220 triệu đồng thì không còn khả năng nên sau đó đã báo cáo việc nhận tiền và tố cáo Lợi cưỡng đoạt tài sản. Nhưng trong quá trình điều tra không đủ chứng cứ chứng minh hành vi này của Lợi.
Cũng theo cáo trạng trên, vào tháng 4-2014, Lợi thế chấp sổ đỏ thửa đất 4151 để vay vốn tại Phòng Giao dịch Đại Lộc (Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk). Sau khi được Lợi hứa hẹn bồi dưỡng, Nguyễn Văn Phúc (giám đốc Phòng Giao dịch Đại Lộc) và Nguyễn Đức Trọng (tổ trưởng Tổ Tín dụng) đã đồng ý cho Lợi vay 1,8 tỉ đồng với điều kiện ngoài thế chấp sổ đỏ nói trên còn phải thế chấp thêm 1 sổ đỏ thửa đất 4380. Do Lợi chưa thế chấp sổ đỏ thửa đất 4380 nên chỉ được giải ngân 1,5 tỉ đồng và Lợi đưa cho Phúc 30 triệu đồng, Trọng 20 triệu đồng. Trong quá trình đưa tiền bồi dưỡng và các cuộc điện thoại trao đổi, Lợi đã ghi âm lại rồi báo cho Phúc và Trọng biết. Lo sợ bị lộ ra ngoài, Phúc và Trọng thống nhất giải ngân đợt 2 số tiền 300 triệu đồng mặc dù Lợi chưa thế chấp sổ đỏ thửa đất 4380.
Để hợp thức hóa thủ tục, ngày 12-6-2014, Lợi ký lại hợp đồng thế chấp chỉ mỗi sổ đỏ thửa đất 4151 vay 1,8 tỉ đồng. Sau khi nhận đủ số tiền, Lợi nhắn tin đòi lại số tiền bồi dưỡng và Phúc đã trả lại 30 triệu đồng. Đến ngày 10-7-2014, Lợi làm đơn phản ánh gửi Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Đắk Lắk về việc Phúc nhận của Lợi 30 triệu đồng. Sau đó 2 ngày, Lợi làm văn bản đề nghị ngân hàng không xem xét đơn của mình. Đến tháng 11-2014, Phúc và Trọng làm đơn tố cáo Lợi cưỡng đoạt tài sản số tiền 200 triệu đồng. Trọng cung cấp cho cơ quan điều tra 1 giấy ghi Lợi vay của Trọng 80 triệu đồng. Nhưng trong quá trình điều tra, không đủ căn cứ chứng minh Lợi cưỡng đoạt tài sản nên Cơ quan CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk không khởi tố vụ án.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã tuy tố Lợi đã có hành vi đưa hối lộ số tiền 90 triệu đồng, khung hình phạt từ 13 - 20 năm tù. Phúc bị truy tố về tội nhận hối lộ. Bình bị truy tố vào tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Còn An, Trí, Thương, Tý, Lan bị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
Như đã thông tin, trước đó Lợi đã lập trang facebook viết nhiều bài, đăng hình ảnh, clip để “chống tham nhũng” và thu thập tài liệu chứng cứ tố cáo tiêu cực của rất nhiều cán bộ, công chức. Từ đây, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều vụ việc và có hàng chục cán bộ, công chức bị xử lý.
CÔNG HOAN