Vụ ngộ độc pate Minh Chay: WHO sẽ cung cấp thuốc giải độc Botulinum cho Việt Nam

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy:  Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có chứng nhận cung cấp thuốc thuốc giải độc Botulinum cho Việt Nam. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất có thể nhận được thuốc.

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Chiều 7-9, TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết, sau một tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân N.N.D (54 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay vẫn chưa được cải thiện so với lúc nhập viện.

Hiện tại, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, thực hiện được các y lệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân bị liệt cơ tay khá nặng, sức cơ khoảng 2/5, bệnh nhân có thể di động bàn tay, bàn chân trên giường nhưng không thể nhấc lên được. Bên cạnh đó, bệnh nhân vẫn còn suy hô hấp, liệt cơ hô hấp, vẫn phải thở máy, sinh hiệu tạm ổn.

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, dù đã được lọc máu, thay huyết tương và được điều trị hỗ trợ nhưng mức độ hồi phục chưa được cải thiện. Tình trạng liệt kéo dài do bệnh nhân ăn phải lượng độc tố Botulinum lớn.

Hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Bộ Y tế đang liên hệ với các quốc gia trên thế giới để tìm thuốc giải độc. Mặc dù thuốc giải độc trên lý thuyết thì sử dụng trong tuần đầu tiên là tốt nhất. Tuy nhiên, theo ghi nhận trên thế giới thì có thể sử dụng ở bất cứ thời điểm nào, dù lợi ích giải độc có thể giảm đi nhưng có thể rút ngắn thời gian thở máy của bệnh nhân lại.

“Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có chứng nhận cung cấp thuốc giải độc Botulinum cho Việt Nam. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất có thể nhận được thuốc và chúng tôi sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc giải độc tố cho các bệnh nhân đã bị ngộ độc ở mức độ nặng, liệt hoàn toàn và thở máy khi thuốc về tới Việt Nam”, bác sĩ Lê Quốc Hùng thông tin.

Tính đến nay, các bệnh viện ở TPHCM đã tiếp nhận và điều trị cho 9 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Trong đó, 5 người đã chuyển viện, ngoài bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy còn 2 người đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, một người tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Botulinum an toàn trong thẩm mỹ

ThS. BS Trần Nguyên Ánh Tú – Phó trưởng khoa Thẩm Mỹ Da - Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, hơn 30 năm qua, Botulinum được ứng dụng trong y học giúp điều trị một số bệnh lý về mắt, nội thần kinh, niệu khoa, da liễu… Để trở thành thuốc, Botulinum phải được phân lập, tinh chế và cố định với quy trình rất nghiêm ngặt. Đặc biệt, năm 2002, Botulinum lần đầu tiên được chính thức sử dụng trong xoá nếp nhăn vùng mặt. Kể từ đó, tiêm Botulinum trở thành kỹ thuật được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất trong ngành thẩm mỹ trên thế giới nhờ tính an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện và chi phí hợp lý.

Tại Việt Nam, Botulinum cũng được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thẩm mỹ và một số chuyên ngành khác từ nhiều năm qua. “Thực phẩm nhiễm khuẩn chứa Botulinum (0,004μg/kg cân nặng) có thể gây ngộ độc, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, kỹ thuật tiêm Botulinum trong thẩm mỹ lại an toàn. Bởi vì, khác với tác hại khi tiếp xúc Botulinum lượng lớn qua đường tiêu hoá gây ngộ độc toàn thân, các chỉ định trong thẩm mỹ sử dụng đường tiêm tại chỗ với liều lượng rất thấp, do đó hầu như chỉ tác động đến lớp cơ và các tuyến tại chỗ, không ảnh hưởng toàn thân. Hơn nữa, khoảng an toàn của Botulinum sử dụng trong thẩm mỹ khá cao, liều tiêm thường không vượt quá 1/30 liều gây ngộ độc”, BS Trần Nguyên Ánh Tú cho hay.

Tin cùng chuyên mục