Ngày 4-1, thị trưởng Surabaya Tri Rismaharini thông báo chính quyền địa phương đang chuẩn bị những dữ liệu cần thiết cho công tác bảo hiểm hoặc bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay AirAsia.
Định vị được mảng lớn thứ 5 dưới đáy biển
Theo JLT Group, đại lý bảo hiểm trung gian cho AirAsia, các hãng bảo hiểm sẽ phải chi trả cho chiếc máy bay mất tích từ 100 - 200 triệu USD, bao gồm cả chi phí bảo hiểm hành khách.
Trong thông tin về tìm kiếm các nạn nhân và mảnh vỡ máy bay, lãnh đạo Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn Indonesia Fransiskus Bambang Soelistyo cho biết các đội cứu hộ trong vụ máy bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia rơi trên biển Java đã định vị được mảng lớn thứ 5 dưới đáy biển. Tuy nhiên, vì thời tiết xấu nên vẫn chưa tiến hành trục vớt được mảnh này.
Các thợ lặn người Indonesia đang chuẩn bị cho công tác tìm kiếm nạn nhân vụ máy bay rơi.
Ông SB Supriyadi, quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia, cho biết ưu tiên hiện nay của chiến dịch tìm kiếm là xác định các mảnh vỡ và hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn, nhằm giúp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (KNKT) điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Thời tiết xấu từng nhiều lần cản trở hoạt động lặn của các nhóm tìm kiếm. Chiến dịch tìm kiếm máy bay QZ8501 sẽ huy động 14 máy bay và 26 tàu hải quân, trong đó có 2 tàu chở dầu. Con số này gồm cả sự hỗ trợ của các quốc gia khác. Đội thợ lặn sẽ đến khu vực được xác định có nhiều mảnh vỡ của máy bay đang nằm dưới đáy biển.
Hải quân Mỹ cho biết đã điều tàu tuần duyên USS Fort Worth (LCS 3) tới hỗ trợ tàu khu trục USS Sampson (DDG 102) tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn QZ8501 theo đề nghị của Chính phủ Indonesia. USS Fort Worth - loại tàu chiến nhỏ và có khả năng tàng hình - đang được triển khai luân phiên cho Hạm đội 7 Hải quân Mỹ và hoạt động rất hiệu quả, linh hoạt tại các vùng biển nông. USS Fort Worth cũng được trang bị một máy bay trực thăng MH-60R và 2 xuồng cao tốc RHIB để tăng cường tối đa khả năng tìm kiếm.
Động cơ máy bay bị hỏng?
Trong những nhận định chính thức ban đầu về lý do khiến máy bay QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia gặp nạn được đưa ra ngày 3-1, các chuyên gia thời tiết Indonesia cho rằng việc hình thành băng do thời tiết cực đoan có thể là nguyên nhân của thảm kịch, theo The Malaysian Insider.
Theo bản báo cáo dài 14 trang của Cục Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), các số liệu thời tiết sơ bộ cho thấy chiếc máy bay đã bay vào vùng mây bão, làm băng hình thành và phá hỏng động cơ. Cũng theo báo cáo này, các bảng phân tích thời tiết trước chuyến bay cũng cho thấy “tình hình thời tiết đáng lo ngại” trên hành trình của chuyến bay, các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiệt độ trên cao là từ -80 đến -85oC. Những điều kiện này rất thích hợp để hình thành các tinh thể băng trong mây.
Tuy nhiên, báo cáo khí tượng này vẫn chưa phải là kết luận cuối cùng về nguyên nhân của vụ tai nạn. Đại diện BMKG cho biết: “Đây chỉ là một bảng phân tích về những gì có thể đã xảy ra, dựa trên những dữ liệu khí tượng thu thập được, và không phải là khẳng định cuối cùng về nguyên nhân xảy ra tai nạn”.
Trước đó, tuyên bố của Hãng hàng không AirAsia cho hay, cơ trưởng máy bay QZ8501 đã xin phép nâng độ cao của phi cơ để tránh một cơn bão. Tuy nhiên, đài kiểm soát không thể chấp thuận yêu cầu nâng độ cao từ 9,8km lên 11,5km vì có một máy bay khác đang hoạt động phía trên. Trong lần liên lạc cuối cùng, phi công xin phép chuyển hướng để tránh thời tiết xấu. Khoảng 40 phút sau khi cất cánh, máy bay mất liên lạc hoàn toàn.
|
VIỆT ANH (tổng hợp)
>> Phát hiện 4 mảnh vỡ của máy bay AirAsia