Vụ tranh chấp bản quyền Wolfoo - Peppa Pig: VDCA yêu cầu YouTube đảm bảo công bằng cho nhà sáng tạo nội dung Việt Nam

Sau khi Sconnect - đơn vị sở hữu nhân vật hoạt hình Wolfoo gửi đơn kêu cứu tới 4 Bộ trưởng của các Bộ TT-TT, Bộ Công thương,  Bộ VH-TT-DL, Bộ KH-CN, doanh nghiệp Anh là Entertaiment One UK (EO) - sở hữu nhân vật Peppa Pig cũng đã có văn bản gửi 4 Bộ này, theo đó EO đã đổ lỗi cho YouTube trong việc xoá/chặn các video Wolfoo.
Vụ tranh chấp bản quyền Wolfoo - Peppa Pig: VDCA yêu cầu YouTube đảm bảo công bằng cho nhà sáng tạo nội dung Việt Nam

Hàng trăm video hoạt hình của Sconnect bị tồn kho

Cha đẻ của Peppa Pig nêu rõ: “eOne (EO) chưa bao giờ yêu cầu quyền sở hữu đối với bất kỳ tập phim Wolfoo nào trên YouTube. Việc xoá/chặn một số video trong bộ phim hoạt hình Wolfoo không phải là quyết định của eOne hoặc bất kỳ bên khiếu nại nào khác, mà là quyết định của YouTube”.

Với nội dung này, EO đang đổ hết trách nhiệm cho phía nền tảng YouTube. Theo chính sách của YouTube, chỉ có chủ sở hữu của video mới được phép đánh bản quyền bên vi phạm. Wolfoo là do Sconnect sở hữu (100% sản xuất tại Việt Nam, được Toà án Moscow khẳng định thuộc quyền sở hữu của Sconnect), nhưng EO đã mạo nhận các video này là sản phẩm phái sinh từ Peppa Pig của EO để khiếu nại với YouTube và đánh bản quyền là sai chính sách của YouTube.

Phía YouTube chấp nhận mọi yêu cầu đánh bản quyền của EO và tiến hành xóa các video Wolfoo là thực hiện sai chính sách của YouTube. Trong vụ việc này cả EO và YouTube đều thực hiện sai chính sách của YouTube và cố tình không tuân thủ phán quyết của Tòa án Moscow: “Cấm EO không được quyền khiếu nại, khiếu kiện về vụ việc này nữa”.
Phán quyết của Tòa án Nga có hiệu lực từ ngày 23-7-2022 là sở cứ pháp lý chắc chắn nhất khẳng định Wolfoo không vi phạm bản quyền Peppa Pig. Tuy nhiên, từ tháng 7 tới nay EO đã không tôn trọng quyết định của Tòa án Moscow và tiếp tục đánh bản quyền Wolfoo trên YouTube với lý do Wolfoo là sản phẩm làm lại của Peppa Pig, đặc biệt nghiêm trọng hơn nữa EO còn sử dụng chính video Wolfoo để đánh bản quyền video Wolfoo gốc của Sconenct, dẫn đến bị thiệt hại doanh thu vô cùng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Việc YouTube và EO không tôn trọng, không tuân thủ bản án có hiệu lực của Toà án Moscow dẫn đến Sconnect bị thiệt hại nghiêm trọng.
“Do 3 kênh đạt nút kim cương của Wolfoo bị khóa, không đăng được nội dung mới dẫn tới lượt xem giảm từ 3 tỷ mỗi tháng xuống còn 1 tỷ, con số thiệt hại tiếp tục tăng lên từng giờ. Tính từ tháng 8 tới nay, doanh thu của Wolfoo bị thiệt hại lên tới hơn 2 triệu USD, chưa kể các thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, sự phát triển của các sản phẩm gia tăng trong hệ sinh thái Wolfoo như ứng dụng trò chơi, sản phẩm thương mại liên quan tới bộ nhân vật Wolfoo, cùng hàng trăm video sản xuất mới bị “tồn kho” do không thể up lên kênh được”, đại diện Sconnect cho biết.
Vụ tranh chấp bản quyền Wolfoo - Peppa Pig: VDCA yêu cầu YouTube đảm bảo công bằng cho nhà sáng tạo nội dung Việt Nam ảnh 1 Bộ phim nổi tiếng thế giới Wolfoo được sản xuất tại Studio của Sconnect Việt Nam

Đề nghị YouTube khóa kênh Peppa Pig để đảm bảo sự công bằng

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã lên tiếng về trách nhiệm của nền tảng YouTube trong việc đảm bảo công bằng cho các nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam.

“Hiện nay YouTube đã khoá các video Wolfoo của Sconnect do EO nộp đơn khiếu kiện ở Tòa án London (Anh), thì YouTube cũng cần khoá các video Peppa Pig của EO do doanh nghiệp này cũng đang bị Sconnect kiện ở Toà án nhân dân TP Hà Nội. Việc YouTube khóa gần 2.000 video Wolfoo gây thiệt hại rất lớn cho Sconnect, trong khi lại không xử lý các video Peppa Pig là đối xử thiên vị, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Đồng thời ông Cường cũng đề xuất, trong khi chờ phán quyết của tòa án, Bộ TT-TT cần có ý kiến với YouTube để đảm bảo công bằng về quyền kinh doanh giữa doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt trên nền tảng này.
Đầu tháng 10 vừa qua VDCA đã có văn bản gửi Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) và Cục Bản quyền Tác giả (Bộ VH-TT-DL) đề nghị hai cơ quan nhà nước xem xét đầy đủ hồ sơ vụ việc, có văn bản chính thức gửi đến các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian YouTube, Facebook cho phép giữ nguyên hiện trạng của Sconnect và EO trước quá trình khiếu nại, khởi kiện của EO đối với Sconnect cho đến khi có phán quyết chính thức của một trong các tòa án mà các chủ thể quyền đang khởi kiện.
VDCA cũng gửi văn bản cho bà Liên Nguyễn, Cố vấn cao cấp về Chính sách của Google cho thị trường Việt Nam với đề nghị tương tự và nêu rõ YouTube cần xem xét đầy đủ, thấu đáo hồ sơ vụ việc, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, đây là sự việc tranh chấp điển hình của dịch vụ số xuyên biên giới trên các nền tảng toàn cầu, nếu các bên cùng vào cuộc làm tốt sẽ có được bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động xử lý trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục