Vụ truyền thuyết về Thứ phi Hoàng Phi Yến: Yêu cầu xử lý thư kiến nghị của Nguyễn Phước tộc

Trước khi cùng ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng các đơn vị liên quan về việc rút Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào chiều 26-4, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".

Ngày 30-5, đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam (con cháu vua Gia Long) cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3176/VPCP-KGVX, chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, xử lý nội dung thư kiến nghị về việc rút lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VH-TT-DL phối hợp với Hội đồng Di sản văn quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Vụ truyền thuyết về Thứ phi Hoàng Phi Yến: Yêu cầu xử lý thư kiến nghị của Nguyễn Phước tộc ảnh 1 Tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản"

Trước khi cùng ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng các đơn vị liên quan về việc rút lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào chiều 26-4, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tại Huế cùng đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã làm rõ việc bà Phi Yến hoàn toàn không phải là vợ của vua Gia Long. Các tài liệu lịch sử được đưa ra tại tọa đàm cũng đã chứng minh không hề có chuyện Nguyễn Ánh (vua Gia Long) ném con xuống biển trong quá trình chạy trốn quân đội Tây Sơn. Bên cạnh đó, các tham luận đều nhất quán với quan điểm Nguyễn Ánh khi thất trận ở Gia Định đã không chạy đến đảo Côn Lôn (Côn Đảo - nơi xuất phát truyền thuyết về bà Phi Yến).

Cuối buổi tọa đàm, toàn bộ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tham gia thảo luận đã cùng ký tên với hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cùng các đơn vị liên quan về việc rút lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến khỏi danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vụ truyền thuyết về Thứ phi Hoàng Phi Yến: Yêu cầu xử lý thư kiến nghị của Nguyễn Phước tộc ảnh 2 Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được tổ chức trang trọng hàng năm tại huyện Côn Đảo

Như Báo SGGP đã thông tin, ngày 27-4, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được báo cáo giải trình của Sở VH-TT tỉnh này về việc lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được Bộ VH-TT-DL công nhận và đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, qua kết quả kiểm kê và trên cơ sở đề xuất của cộng đồng dân cư và chính quyền huyện Côn Đảo, Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xin chủ trương của UBND tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận và đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến.

Năm 2019, sau khi UBND tỉnh đồng ý chủ trương, Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với các chuyên gia di sản thuộc Trường Đại học Văn hóa TPHCM tiếp tục kiểm kê, phỏng vấn các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là các cụ cao niên trực tiếp thực hành lễ giỗ và hoàn thiện hồ sơ tham mưu tỉnh trình Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL). Cuối năm 2021, trên cơ sở tờ trình của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cục Di sản văn hóa tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở đề nghị đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin cùng chuyên mục