Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, Brazil đang tìm kiếm những thị trường đầu tư hấp dẫn và châu Phi chính là vùng đất mới đầy hứa hẹn. Trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi khủng hoảng, Brazil đã xem khu vực cận Sahara là một trong những tia sáng đưa nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đã tăng từ 4 tỷ USD ở năm 2000 lên con số 27 tỷ USD vào năm ngoái.
Tờ New York Times nhận định, tập trung đầu tư vào châu Phi bằng những dự án viện trợ và cho vay đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ ở Brazil, từ một nước từng phải tiếp nhận viện trợ nay đã trở thành một nhà cung cấp thực sự. Dưới thời của Tổng thống Lula da Silva, các tập đoàn lớn của quốc gia Nam Mỹ này cũng đã có mặt tại một nửa số quốc gia trên châu lục, tập trung vào các lĩnh vực như: khai khoáng, năng lượng, thăm dò dầu khí và nông nghiệp nhiệt đới...
Sau những làn sóng ồ ạt mở rộng sứ mệnh ngoại giao ở châu Phi trong suốt một thập niên qua, Brazil hiện đã có 36 đại sứ quán trên khắp lục địa đen. Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Dilma Rousseff tới Nam Phi, Mozambique và Angola đã tiếp tục củng cố mối quan hệ kinh tế vững chắc với châu lục này.
Hiện nay, Brazil vẫn còn xếp sau Trung Quốc về những dự án đầu tư nhưng nước này đã xây dựng thành công hình ảnh “nhà đầu tư thân thiện” tại châu Phi khi luôn coi trọng cam kết đối với quyền lợi của người lao động, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chính sách bền vững về xã hội và môi trường, vấn đề mà Trung Quốc luôn né tránh.
Có lợi thế ở nguồn tài nguyên dồi dào, Brazil tìm đến châu Phi để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đầu tư chứ không nhằm mục đích vét sạch những khoáng sản ở lục địa này như những nhà đầu tư khác. Các công ty Brazil đã thuê nhân công địa phương và huấn luyện họ trở thành những công nhân, nhân viên lành nghề và sẵn sàng trả họ với mức lương tương xứng.
Để thể hiện rằng người Brazil không chỉ đến châu Phi để làm ăn, bà Rousseff đã cam kết với các nước trong châu lục tiếp tục xây dựng những chương trình xã hội mang lại lợi ích cho hàng triệu người dân. Chẳng hạn, đối với Mozambique, Brazil đã cung cấp dịch vụ chăm sóc và thuốc men giá rẻ để điều trị HIV/AIDS hay các bệnh nhiệt đới khác mà họ có thế mạnh, đồng thời cung cấp nhiều học bổng cho các sinh viên theo học tại các trường đại học ở nước này.
Brazil cam kết dành cho Kenya khoản vay 150 triệu USD để xây dựng các con đường nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông tại thủ đô Nairobi. Trong khi đó, tại khu vực Tây Phi, quốc gia giàu tiềm năng dầu khí như Angola cũng sẽ ký kết một thỏa thuận an ninh, mở rộng chương trình tập huấn cho lực lượng vũ trang của họ ở Brazil.
Cựu Tổng thống Lula da Silva từng nói: “Châu Phi không thể bị nhìn nhận như trước đây, tức chỉ là một nguồn cung cấp khoáng sản và khí đốt. Chúng tôi phải tìm các đối tác châu Phi. Chúng tôi không muốn bá quyền mà chỉ muốn có các đồng minh chiến lược”. Và thực tế đã chứng minh điều này, những gì Brazil đang xây dựng ở châu Phi đã gửi đến thông điệp, hợp tác nhưng phải bình đẳng thì mới có sự bền vững.
Thanh Hằng