
Ngày 1-7, tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Sơn Minh Thắng đã chủ trì “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Vùng đồng bằng sông Cửu Long - TPHCM” nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, từ đó xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế xuất siêu của Việt Nam với thế mạnh là lúa gạo, trái cây và thủy sản, nhưng thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn rất ít.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ Sơn Minh Thắng tham quan các gian hàng đặc sản của các tỉnh, thành trưng bày tại hội nghị
Hấp lực mới từ ĐBSCL
Vùng ĐBSCL có diện tích gần 40.000km², dân số khoảng 18 triệu người. Là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, có tiềm năng, lợi thế về phát triển thương mại, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và là địa bàn hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước. Với TPHCM, ĐBSCL đã trở thành địa bàn quan trọng, nơi cung cấp các nguồn nguyên liệu, lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng hàng ngày của người dân thành phố cũng như xuất khẩu.
Nhìn ở góc độ nhà đầu tư, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Jetro tại TPHCM cho rằng, do sự phát triển của hạ tầng giao thông tại TPHCM như đại lộ Đông - Tây cùng các trục đường huyết mạch, đường cao tốc, cầu… nên thời gian di chuyển từ các tỉnh ĐBSCL đến TPHCM được rút ngắn đáng kể. Mặt khác, khu vực ĐBSCL còn có lợi thế lớn về lao động giá rẻ và dễ thu hút lao động đối với cả các ngành thâm dụng lao động. So với Lào và Campuchia, thì hiệu suất lao động ở khu vực ĐBSCL có hiệu suất cao hơn hẳn. Chính những lý do tích cực nêu trên đã thu hút các DN FDI, trong đó có Nhật Bản đầu tư ngày càng nhiều vào ĐBSCL.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, ĐBSCL có 6 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng vốn là 2.600 tỷ đồng; 7 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ với tổng vốn trên 18.000 tỷ đồng; 6 dự án sử dụng vốn ODA với tổng vốn trên 41.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn kêu gọi xã hội hóa và đã hoàn thành 3 dự án với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng. Đến nay, thu hút được 1.205 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD. Hiện vẫn còn những diện tích lớn chưa khai thác phủ kín ở Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Nam sông Hậu và vùng đất mũi Cà Mau, là cơ hội cho các nhà đầu tư, doanh nhân khai thác.
Cần liên kết để tạo “đặc sản” cho riêng mình
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều khẳng định, cùng với việc thu hút DN FDI đầu tư vào các dự án trọng điểm thì việc triển khai Chương trình hợp tác kinh tế toàn diện giữa TPHCM và ĐBSCL là đúng hướng, quan trọng hàng đầu và là tất yếu. Từ năm 2001 đến nay, nhiều chương trình hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, du lịch giữa TPHCM với ĐBSCL, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hạ tầng thương mại góp phần mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình hợp tác. Ngay cả các tỉnh, thành của ĐBSCL cũng chưa có sự kết nối chặt chẽ, chưa xác định thế mạnh nhằm tạo ra những “đặc sản” riêng cho từng địa phương để thu hút du khách. Theo ông Trần Hồng Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Saigon Tourist, ĐBSCL rất giàu tiềm năng về du lịch sinh thái. Đa phần du khách Nhật khi đến TPHCM là nối chuyến đến các tỉnh miền Tây. Điều băn khoăn là cho đến nay, các bên vẫn chưa thống nhất cơ chế về hoạt động du lịch để cùng nhau khai thác tốt các tiềm năng. Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, trùng lắp, thiếu sự đồng bộ và chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực thiếu và yếu. Có thời điểm tại Phú Quốc “bùng nổ” về du lịch, các công ty đã nháo nhào lôi kéo, tìm kiếm nhân viên phục vụ, làm mất điểm trong mắt du khách. Ngay cả một trang web chung về du lịch cho ĐBSCL cũng chưa có. Theo ông Việt, cần khắc phục ngay những nhược điểm nêu trên, bằng cách các bên phải ngồi lại để xác định lại tiềm năng, thế mạnh, ai làm gì, cần hỗ trợ gì, cách kết nối ra sao để thúc đẩy du lịch phát triển.
Bà Nguyễn Bích Nam, Hiệp hội DN TPHCM cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu cần đặt ra là cả vùng phải bàn cách sản xuất hàng hóa sạch, với diện tích và sản lượng lớn nhằm cung ứng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. “Vừa qua, hiệp hội đã tổ chức các đợt xúc tiến, đưa sản phẩm đến các thị trường như Canada, Mỹ và Bắc Mỹ. Tại Canada, chúng tôi đã mang thử nghiệm 14 loại trái cây sang bán cho các đối tác và đều họ đặt mua. Nhưng vấn đề đặt ra là khả năng cung ứng hàng hóa còn yếu, vận chuyển bằng đường biển mất rất nhiều thời gian. Vậy ai sẽ đứng ra kết nối cho DN bán hàng ra nước ngoài là vấn đề cần phải bàn bạc kỹ hơn”, bà Bích Nam nói.
Nhiều ý kiến lại cho rằng, để kinh tế vùng phát triển cần đẩy mạnh liên kết, thực hiện các nội dung như triển khai đồng bộ việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt phải kết nối với quy hoạch vùng đô thị TPHCM. Ngược lại, quy hoạch của TPHCM cũng phải đặt trong mối tương quan của cả vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ.
* Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu rõ: “Những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai, đặc biệt trong sản xuất lương thực, chế biến nông thủy sản, hoa quả… đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho các địa phương trong khu vực. Vì vậy, việc liên kết giữa TPHCM và vùng ĐBSCL, khu vực đóng góp 18,5% GDP cả nước, là định hướng đúng đắn và lâu dài. Chính quyền TPHCM cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các bộ, ngành trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh”. * Giới thiệu 69 dự án trọng điểm đầu tư Tại hội nghị, các tỉnh, thành và TPHCM đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Hầu hết địa phương tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng giao thông, cảng; chú trọng nhất mời gọi đầu tư phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà cả trong lĩnh vực thủy sản; mong nhận nhiều đầu tư vào chế biến nông - thủy sản, phát triển các khu thương mại - dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng khách sạn cao cấp, khu du lịch - giải trí. |
Thúy Hải