Vững tin vượt khó

“Quán vắng hơn trước, lượng khách giảm quá nửa. Đến cuối tuần, lượng khách có nhỉnh hơn chút nhưng so với bình thường thì con số này không đáng kể”, anh Phạm Dũng, chủ quán ăn DONG EURO tại Sakado, Saitama, chia sẻ về chuyện kinh doanh tại Nhật Bản hiện nay. 

Vào thời điểm trước mùa dịch, hàng ngày, quán DONG EURO vẫn có lượng khách ổn định nhờ món ăn chất lượng, giá cả phải chăng, nhiều mặt hàng thực phẩm khô nhập từ Việt Nam cũng như các mặt hàng tươi sống luôn có hàng tuần.

Vững tin vượt khó ảnh 1 Quán DONG EURO tại Sakado, Saitama, Nhật Bản
Đến tháng 4 năm nay, do yêu cầu của Chính phủ Nhật Bản nhằm ngăn chặn dịch lây lan, DONG EURO tạm đóng cửa gần 1 tháng khiến doanh thu giảm mạnh. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt Nam tại các tỉnh, thành của Nhật Bản trong giai đoạn này. Để duy trì hoạt động, nhiều cơ sở do người Việt kinh doanh chuyển sang bán online, rút ngắn thời gian mở cửa và chấp nhận giảm giá các mặt hàng. Thời điểm khó khăn cũng làm không ít người Việt đang kinh doanh như anh Phạm Dũng cảm thấy nản lòng, nhưng nhờ tỉnh Saitama sớm triển khai gói hỗ trợ 200.000yen (1.860USD) cho mỗi hộ kinh doanh bị thiệt hại trong mùa dịch nên các doanh nhân Việt Nam tại đây cũng phần nào bớt lo lắng.


Trò chuyện với Hồng Lâm, nữ du học sinh đã sang Nhật Bản được 2 năm, em cho biết, do dịch bùng phát mạnh nên đã tạm dừng việc làm thêm từ tháng 4. Trường trung cấp nghề ở Wakaba nơi em theo học cũng dừng hẳn việc khai giảng. Không đến trường nhưng Hồng Lâm vẫn làm bài tập về nhà do trường giao hàng tuần. Do không đi làm thêm nên cuộc sống của em cũng phải tạm xoay xở cho đến ngày nhận tiền hỗ trợ của chính phủ. Kể từ tháng 4, Chính phủ Nhật đã công bố gói hỗ trợ 100.000yen (930USD) đến mỗi người dân. Gói hỗ trợ này bao gồm người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc và có đăng ký cư trú hợp pháp tại Nhật Bản. Nói về chuyện đi hay ở lại Nhật, Hồng Lâm chọn ở lại vì tin rằng dịch sẽ sớm qua và mọi thứ sẽ trở lại bình thường.

Cùng suy nghĩ như Hồng Lâm, Quang Hòa, sinh viên năm 3 đại học ở Osaka, cũng chọn ở lại dù gặp không ít trở ngại trong cuộc sống. Thời gian qua, Quang Hòa học online tại nhà và việc làm thêm tại nhà hàng của em cũng bị ảnh hưởng nhiều. “Tiết kiệm chi tiêu thì em vẫn ổn”, Hòa chia sẻ. Nhịp sống ở Osaka cũng đang dần trở lại bình thường sau khi bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Các trường học tại thành phố lên kế hoạch mở cửa lần lượt trong tháng sau và hoạt động kinh doanh đang khôi phục lại.

Sống giữa dịch bệnh ở một đất nước khác vốn là quãng thời gian không mấy dễ dàng. Người mất việc, người bị giảm giờ làm, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng là tình trạng chung của nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Tuy hoang mang nhưng để tránh việc hoảng sợ quá mức cần thiết, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật đã chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin, cùng chia sẻ, áp dụng những biện pháp phòng chống dịch cũng như hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Chính phủ Nhật cũng đã sớm có thông điệp, yêu cầu dù hoạt động kinh doanh kém đi do ảnh hưởng của dịch thì các công ty cũng không được phép đối xử với người lao động nước ngoài ở thế bất lợi hơn so với người Nhật. Đến nay, khi giai đoạn chống dịch đang có tiến triển, nhiều người Việt đã vững tin hơn về câu chuyện nước Nhật sẽ sớm vượt qua dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục