Vững vàng thương hiệu Festival Huế

Festival Huế 2016 với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế, Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ bế mạc tối nay 4-5 tại sân khấu trước mặt Ngọ Môn - cố đô Huế. Một mùa festival lần đầu được tổ chức theo hướng tinh gọn, huy động lực lượng văn nghệ sĩ trên địa bàn làm nòng cốt, đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động lễ hội đã để lại nhiều dấu ấn mới lạ, không chỉ dừng lại trong mắt người dân Huế mà ngay cả những nghệ sĩ từng nhiều lần tham dự các kỳ festival cũng trầm trồ thán phục.
Vững vàng thương hiệu Festival Huế

Festival Huế 2016 với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế, Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ bế mạc tối nay 4-5 tại sân khấu trước mặt Ngọ Môn - cố đô Huế. Một mùa festival lần đầu được tổ chức theo hướng tinh gọn, huy động lực lượng văn nghệ sĩ trên địa bàn làm nòng cốt, đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động lễ hội đã để lại nhiều dấu ấn mới lạ, không chỉ dừng lại trong mắt người dân Huế mà ngay cả những nghệ sĩ từng nhiều lần tham dự các kỳ festival cũng trầm trồ thán phục.

Diễn viên quần chúng đã mê hoặc khán giả bằng kỹ nghệ làm bánh trái của vùng đất nổi tiếng Kim Long tại chương trình ''Về miền Hương Ngự - Festival Huế 2016''

Đồng điệu trong dòng chảy nghệ thuật

Cùng với hàng trăm tiết mục nghệ thuật trình diễn theo chủ đề Festival Huế 2016 được thể hiện trên 13 sân khấu chính, không khí rộn ràng của lễ hội còn lan tỏa ra khắp các trục đường chính tại TP Huế, khi có sự xuất hiện của các đoàn nghệ thuật đường phố quốc tế và Việt Nam. Ở đó, trong dòng chảy nghệ thuật là những ngôn ngữ không biên giới mà các nghệ sĩ, diễn viên đã tạo nên ấn tượng cho hàng ngàn người dân, du khách. Những tràng pháo tay tán thưởng náo nhiệt của người xem giúp các nghệ sĩ quên đi mệt mỏi.

Từ công viên bên đường Trịnh Công Sơn, đoàn nghệ thuật L’Homme Debout (Pháp) phối hợp cùng 40 diễn viên nghiệp dư là những thanh niên tình nguyện của Huế, dẫn dắt công chúng trải nghiệm, khám phá đường phố và con người vùng đất cố đô Huế trầm mặc bên dòng sông Hương thơ mộng, bằng việc điều khiển chú rối Liedo (cao 7,5m) di chuyển và nhảy múa theo từng điệu nhạc. Dọc theo trục đường Trần Hưng Đạo bên cầu Trường Tiền, hàng vạn người dân và du khách đứng chật kín dõi theo, xen cài bằng những tràng pháo tay, những cái vẫy chào, cùng nhiều bó hoa tươi thắm tán thưởng cho diễn viên, nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật các nước Đông Á - Mỹ Latinh tại lễ hội đường phố với chủ đề “Di sản và sắc màu văn hóa” diễn ra trong hai chiều 1 và 3-5.

Ông Benoit Mousserion, Trưởng đoàn L’Homme Debout, nhận xét, sự nhập cuộc hết sức hào hứng của dân chúng những ngày qua đã giúp Festival Huế 2016 thật sự là lễ hội tràn ngập màu sắc âm thanh. Đây là kỳ vọng được nhắc đến rất nhiều ở các kỳ festival trước và nay đã hiển thị một cách rõ nét, sinh động. Tính cộng đồng là điểm nổi bật nhất của người dân Huế khi từ học sinh, sinh viên đến các tiểu thương, giới văn nghệ sĩ tham gia trên tinh thần quảng bá văn hóa Huế với bạn bè quốc tế.

Mê hoặc từ lễ hội

So với những lần tổ chức trước đây, Festival Huế 2016 đã có nhiều thay đổi và điểm nổi bật nhất là sự tinh gọn, đặc sắc. Từ festival đầu tiên diễn ra trong 12 ngày, tiếp đó giảm còn 9 ngày, đến Fetival Huế 2016 chỉ còn 6 ngày. Không gian lễ hội cũng không dàn trải mà tập trung ở hai khu vực chính: Hoàng cung Huế và hai bờ sông Hương. Sự thay đổi ấy đã góp phần khắc phục được tình trạng lãng phí khi “món ngon” dọn khắp nơi lại trùng giờ giấc khiến “thực khách” chọn “món” này thì mất “món” kia.

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2016 nói chắc nịch: “Gọn nhưng là tinh tuyển, chứ không đơn thuần là giảm bớt… Đã có rất nhiều quốc gia đăng ký tham gia Festival Huế 2016 nhưng ban tổ chức chỉ chọn chương trình của 17 quốc gia, dựa trên tiêu chí: phải đặc sắc và mới lạ, không lặp lại chương trình mà họ đã đưa đến festival trước đây. Tâm huyết của chúng tôi là làm cho bản sắc văn hóa Huế được đậm đà hơn, thể hiện đúng giá trị của nó. Nghệ sĩ Huế, người dân Huế được đặt đúng vị trí chủ thể của mùa lễ hội này…”.

Nhắc đến Huế giờ đây, người ta không chỉ nhớ đến sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm, chùa chiền..., mà ở đó đến hẹn 2 năm một lần lại còn diễn ra festival để tôn vinh sắc màu dân tộc đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt, ở Festival Huế 2016 không có hiện tượng các “sao” hét giá như các hoạt động biểu diễn hay lễ hội khác. Các doanh nghiệp đồng hành với Festival Huế với ý thức góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý du lịch trong và ngoài nước có chung nhận xét, Festival Huế là sự thành công trên con đường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Song vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tiếp để hiện tượng văn hóa mới này thực sự trở thành một sự kiện văn hóa điển hình, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập văn hóa quốc tế. Đó là, chiến lược phát triển, mô hình tổ chức và sự chuyên nghiệp hóa.

Trước giờ khai mạc Festival Huế 2016, thông tin về tình trạng cá biển chết bất thường hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên - Huế, đã khiến nhiều người âu lo về một festival sẽ kém vui. Nhưng thực tế, theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, lượng khách đăng ký phòng trước, trong và sau Festival Huế 2016 vẫn khá cao, gần 90.000 lượt khách. Trong đó, từ ngày 29-4 đến 2-5, công suất phòng đạt hơn 90%, hầu hết các khách sạn 3-4 sao không còn chỗ trống. Điều đó chứng minh rằng sức hút của thương hiệu Festival Huế trong lòng du khách trong và ngoài nước về văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục