Vươn đến ước mơ

Chưa đủ giàu để là tỷ phú, chưa đủ lớn để là người từng trải, chưa có cơ hội được đặt chân vào giảng đường đại học. Khởi nghiệp từ con số 0 nhưng bằng những nỗ lực của mình, cộng thêm sự tiếp sức kịp thời từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ đã chứng tỏ sự trưởng thành của mình trên thương trường, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và việc làm cho thanh niên nghèo.
Vươn đến ước mơ

Chưa đủ giàu để là tỷ phú, chưa đủ lớn để là người từng trải, chưa có cơ hội được đặt chân vào giảng đường đại học. Khởi nghiệp từ con số 0 nhưng bằng những nỗ lực của mình, cộng thêm sự tiếp sức kịp thời từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ đã chứng tỏ sự trưởng thành của mình trên thương trường, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và việc làm cho thanh niên nghèo.

Vấp ngã 7 lần, đứng dậy 8 lần

Xuất thân trong một gia đình nghèo ở Thanh Hóa, anh Trịnh Văn Tiến (SN 1980) thấm thía cái khổ của một gia đình nghèo, đông con. 18 tuổi, anh vào Nam mưu sinh. Không người quen biết, không vốn, lại chưa có nghề gì trong tay nhưng có lẽ, chính sự thôi thúc từ hoàn cảnh đã giúp anh biết được điều chưa từng học trong sách vở: “Không” chưa hẳn là sẽ mãi không có gì. Phải vừa tự mình kiếm sống vừa theo học nghề, có như vậy cuộc đời mới có cơ hội thay đổi và giúp đỡ được mẹ và các em. Mãi đến 2006, sau nhiều năm tháng làm thuê và tích góp, anh mới có một số vốn gần chục triệu đồng để khởi nghiệp.

Vươn đến ước mơ ảnh 1

Anh Trịnh Văn Tiến kiểm tra sản phẩm tại cơ sở may gia công của mình. Ảnh: P.ĐÔNG

Anh Tiến nhớ lại: “Số tiền chỉ đủ mua 3 chiếc máy may và thuê một căn phòng nhỏ để lập một cơ sở may gia công cho các xưởng may lớn hơn”. Vậy mà chỉ sau vài tháng, cơ sở may của anh “phá sản” vì nguồn hàng không ổn định và các chủ hàng chậm trả tiền công.

Đến năm 2009, tích góp trong tay một số vốn kha khá và vay mượn bạn bè thêm, anh quyết tâm mở lại cơ sở may túi xách tại nhà. Thấy anh tất bật vất vả xoay xở cầm cự, nhiều người khuyên anh bỏ cuộc.

Không nản chí, anh vay thêm 30 triệu đồng từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Rồi anh ngồi nhẩm lại những việc mình đã làm, xem sai ở công đoạn nào, vì sao lại thất bại rồi lập hẳn một kế hoạch. Anh Tiến phải đến từng nơi nói chuyện làm quen, rồi xin gửi hàng nhờ bán nhưng vẫn gặp phải những cái lắc đầu. Không nản lòng, anh để lại số điện thoại và thỉnh thoảng đến… hỏi thăm.

Rồi công việc cũng dần ổn định. Anh đã tìm được những mối hàng riêng cho mình. Đến tháng 7-2010, anh mở rộng xưởng, mua thêm 4 máy may và thuê thêm thợ. Hiện tại, cơ sở của anh mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 chiếc túi. Anh tâm sự: “Tôi rất tâm đắc với câu nói  nổi tiếng của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sony (Nhật Bản): “Để thành công, các bạn phải vấp ngã 7 lần và đứng dậy 8 lần”. Để có được ngày hôm nay tôi cũng đã phải “ngã” rất nhiều lần và cũng cố đứng lên rất nhiều lần. Sắp tới, tôi sẽ đăng ký thương hiệu sản xuất riêng và mở rộng thêm cơ sở. Phải có một thương hiệu thì hàng hóa của mình trên thị trường mới có chỗ đứng”.

Biến ý tưởng thành tiền

Còn đối với anh Nguyễn Đoàn Công Tấn (SN 1984), việc nghỉ làm khi có một công việc ổn định tại một công ty sách là bước ngoặt lớn. Anh kể: “Năm 2008, tôi quyết định nghỉ việc, mở một cửa hàng sách nhỏ trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè. Vốn không có, tài sản duy nhất lúc bấy giờ là những kinh nghiệm tích lũy được trong khoảng thời gian hơn 4 năm đi làm”.

Khi cửa hàng sách Quốc gia của anh ra đời, mọi người lại càng ngạc nhiên trước kiểu kinh doanh “lạ đời” - chính ông chủ và nhân viên cửa hàng sẽ mang sách đến tận nơi cho khách hàng. Anh tâm sự: “Nếu mở một cửa hàng sách bình thường sẽ không đủ vốn và đủ sức. Sau một thời gian đi làm, tôi phát hiện có những đối tượng rất tiềm năng mà các công ty sách trước đây bỏ qua. Đó là những doanh nghiệp, những nhà lãnh đạo. Họ không có nhiều thời gian để tìm những đầu sách họ cần. Tại sao mình không giới thiệu sách cho họ?”. Vậy là ngày ngày anh mày mò vào website các cơ quan nhà nước để tìm hiểu những thông tin nào đang được chú ý... rồi lên danh sách, tìm những đối tượng khách hàng phù hợp với từng đầu sách để liên hệ, giới thiệu và chào hàng.

3 năm qua, cửa hàng nhỏ của anh cũng trải qua khá nhiều khó khăn. Khi bán hàng, anh thường giao hàng trước còn tiền nhận chuyển khoản sau nên nhiều khi thiếu vốn không thể xoay xở. Cuối năm 2009, cửa hàng gặp nhiều khó khăn, nhân viên nghỉ việc gần hết vậy mà chưa bao giờ anh nghĩ đến việc bỏ cuộc. Anh luôn tâm niệm: “Làm từng chút một, khi mọi người thấy đó là điều hay và có ích, tức khắc sẽ có người làm ủng hộ. Quan trọng nhất là niềm đam mê, đam mê càng cháy bỏng, ý tưởng càng thành công”.

THANH AN

Tin cùng chuyên mục