Vườn tượng, một xu hướng điêu khắc rộng mở

Vườn tượng, một xu hướng điêu khắc rộng mở

Bắt đầu từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại vườn Bách Thảo, Hà Nội năm 1997 rồi đến những trại sáng tác ở Huế (1998, 2002, 2004), An Giang (2003), Phú Thọ (2005) và đầu tháng 11 sắp tới đây sẽ tiếp tục có trại sáng tác quốc tế ở An Giang, hoạt động điêu khắc Việt Nam dường như đang thay đổi với xu hướng phát triển mạnh mẽ tượng công viên và vườn tượng tại các thành phố lớn.

Có thể đây là một tín hiệu đáng mừng đối với giới sáng tác điêu khắc. Bởi sau thời gian việc dựng tượng đài bị coi là “lạm phát” trong cả nước và các tác phẩm tượng nghệ thuật hay còn gọi tượng salon chỉ được ghé vai một cách khiêm tốn, ít ỏi bên cạnh hàng chục, hàng trăm bức tranh trưng bày tại các gallery, bảo tàng mỹ thuật hay đại sảnh triển lãm tại Cung văn hóa, tại một số khách sạn nổi tiếng…, hoạt động dựng tượng công viên ngoài trời bỗng trở nên có sức hấp dẫn mới đối với các nhà sáng tác mỹ thuật.

Vườn tượng, một xu hướng điêu khắc rộng mở ảnh 1

Tác phẩm “Bát cơm và đôi đũa” của nhà điêu khắc nữ Laury Dizengremel (Pháp) tại trại sáng tác điêu khắc An Giang.

Sự đặt để trở lại vai trò mỹ thuật tác động đến công chúng xã hội có ý nghĩa thôi thúc nguồn cảm xúc sáng tạo và đóng góp công năng hoạt động của giới điêu khắc đậm nét hơn trong không gian đô thị ngày nay.

Điểm khá mới mẻ, thú vị qua các trại sáng tác là sự hội nhập, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa nghệ sĩ điêu khắc Việt Nam và nghệ sĩ điêu khắc thế giới đã diễn ra ngay trên “các sân của đội chủ nhà”. Giá trị cụ thể hơn là sự đóng góp tác phẩm nghệ thuật của họ dành cho địa phương.

Từ những “món quà nghệ thuật” này, khuôn mặt vườn tượng đã ra đời để trở thành một trong những địa chỉ văn hóa, và là một trong những điểm đến của du khách sau này. Lấy ví dụ về hai trại sáng tác điêu khắc ở Huế và An Giang. Đến Huế, ngoài việc viếng thăm thành quách cổ của cố đô, nhiều du khách đã tỏ ra thú vị khi bắt gặp khá nhiều tượng dọc theo công viên hai bờ Bắc, Nam sông Hương.

Ở đó, có khi vào một thoáng không gian trưa êm ả hay một thoáng không gian hoàng hôn trầm lặng, khu vườn tượng dễ tạo cảm xúc và ấn tượng cho người xem với hình tượng Những cô gái Việt Nam; với Nắng, Gió, Dòng sông; với Vị hoàng đế cuối cùng; với Tường thành, cửa sổ và cái quạt hay Bước đi tới phát triển tương lai của Huế v.v…

Về Châu Đốc – tỉnh An Giang cũng vậy, người xem hơi bất ngờ trước “bãi tượng” (sẽ chờ kết quả sau tổ chức trại sáng tác Dấu ấn An Giang lần II vào tháng 11-2005 mới dựng thành vườn tượng Khu du lịch Núi Sam) là Một bát cơm và đôi đũa khổng lồ, là Cô gái An Giang, Cá, Sáo, Bóng nước An Giang, Cửa thiền, Mặt trời cha - dòng sông mẹ, Sinh tồn, Tôi và bóng của tôi…

Lúc thưởng ngoạn các vườn tượng, người xem chẳng còn nhớ đâu là tác phẩm của các nhà điêu khắc Việt Nam, hay đâu là tác phẩm của các nhà điêu khắc Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Australia, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Canada, Tây Ban Nha v.v… Nhưng, có lẽ, điều đáng nói là ấn tượng còn lại từ tác phẩm. Nó chính là những hình khối tạo dáng đẹp, giàu ý nghĩa, hòa hợp tâm tình, hài hòa môi trường thiên nhiên và môi trường kiến trúc của khuôn viên vườn tượng.

Hiện nay, việc hình thành vườn tượng, bên cạnh kinh phí của Nhà nước còn có sự đóng góp rất đáng kể của nhân dân, của các nhà doanh nghiệp theo xu hướng xã hội hóa (trường hợp trại sáng tác điêu khắc Dấu ấn An Giang). Điều này càng cho thấy hoạt động điêu khắc có thêm cơ hội rộng mở.

Tuy nhiên, đằng sau việc thành lập xong vườn tượng cũng còn điều đáng bàn. Rõ ràng, với những đóng góp lớn của các nghệ sĩ và toàn xã hội, vấn đề quản lý tác phẩm, bảo quản, chăm sóc vườn tượng cũng là việc cần sớm có biện pháp ngay từ đầu. Bởi không ít kinh nghiệm về câu chuyện “bảo quản không xuể” vườn tượng đã từng xảy ra ở một vài địa phương. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục