
Sau thành công của loạt phim thâm cung bí sử triều Thanh như Vương triều Khang Hy, Vương triều Ung Chính... năm 2002 đài TH Trung ương Trung Quốc sản xuất bộ phim truyền hình Vương triều Càn Long. Khi phát sóng, bộ phim được giới phê bình đánh giá cao về giá trị lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật. Với 40 tập, bộ phim Vương triều Càn Long được chia là 4 phần: Trừng tham, Hạ Giang Nam, Chúc thọ, Thiền vị... chủ yếu khai thác chuyện chống tham quan ô lại thời vua Càn Long.
(Phim truyền hình Trung Quốc, dài 40 tập, chiếu trên kênh HTV7 vào đầu tháng 11). |
Từ năm 1991, các nhà làm phim Đài Loan bắt đầu tái dựng hình ảnh vua Càn Long trên màn ảnh trong bộ phim Hý huyết Càn Long gồm 42 tập với 3 phần Giang Nam trừ bá, Tây Điền phong vân, Cung vi kinh biến. Những bộ phim sau này về Càn Long có thể kể tên như: Tài tử giai nhân và vua Càn Long, Giang sơn làm trọng, Vương triều Càn Long, Những câu chuyện về vua Càn Long... chủ yếu khai thác những chuyện xoay quanh chuyến tuần du Nam-Bắc, đặc biệt là xuống Giang Nam của vua Càn Long. Ngoài ra, còn nhiều bộ phim khác, gián tiếp kể về vua Càn Long như: Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam, Tể tướng Lưu gù...
So với các bộ phim trên, Vương triều Càn Long tái hiện sinh động hình ảnh một hoàng đế Càn Long bản lĩnh, uy nghi, mưu

lược, luôn canh cánh trong lòng mối lo trị nước. Ông sáng suốt nhận thấy sự rạn nứt của thể chế, kịp thời đưa ra những chính sách sắc bén để chấn chỉnh, việc gì cũng cẩn trọng nhưng không thoát khỏi những quan niệm cực đoan, bảo thủ phong kiến... Thành công của bộ phim Vương triều Càn Long đưa tên tuổi của nam diễn viên gạo cội Tiêu Hoảng, người thể hiện rất xuất sắc hình tượng vua Càn Long, vào danh sách những diễn viên đóng thành công vai hoàng đế của điện ảnh Trung Quốc.
Dưới thời vua Càn Long có 3 nhân vật tiếng tăm lừng lẫy là Hòa Thân, Lưu Dung (Tể tướng Lưu gù) và Kỷ Hiểu Lam... Các nhân vật này đều được khắc họa rõ nét trong các bộ phim như Tể tướng Lưu gù, Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam, Mộng đoạn Tử Cấm Thành... Khác với các bộ phim này, phim Vương triều Càn Long không khai thác khía cạnh đấu tranh quyền lực giữa các vị đại thần mà chủ yếu là những toan tính xung quanh vận mệnh một vương triều.
Nhân vật Hòa Thân trong lịch sử và các tác phẩm văn học cũng như một số bộ phim truyền hình khác là một nhân vật đại phản diện, nhưng trong Vương triều Càn Long, Hòa Thân được khắc họa thành một nhà chính trị tài ba, có công lao đóng góp cho thời thịnh trị của niên hiệu Càn Long 30 năm đầu. Hòa Thân biết dùng người, khôn khéo lợi dụng tài uyên bác của Lưu Dung và Kỷ Hiểu Lam để lập công. Sự biến chất của Hòa Thân sau này tách bạch với những thành quả chính trị mà ông đã tạo lập được.
Diễn viên Vương Cương trước đây đã rất thành công với nhân vật Hòa Thân trong các phim Tể tướng Lưu gù và Mộng đoạn Tử Cấm Thành bằng phong cách diễn xuất nghiêng về hài hước. Trong phim Vương triều Càn Long, diễn viên Trần Nhuệ Nhân thoát khỏi cái bóng của người đi trước khi được tạo nhiều đất diễn, thể hiện xuất sắc một Hòa Thân đĩnh đạc, tài ba, nghiêm túc. Nhân vật Lưu Dung do diễn viên Lý Tâm Mẫn thủ diễn cũng có nhiều điểm khác biệt với Lưu Dung của Lý Bảo Điền trong bộ phim Tể tướng Lưu gù. Lưu Dung trong phim Vương triều Càn Long không bị gù và không đối địch với Hòa Thân. Ngược lại, ông còn rất tán thưởng tài năng của Hòa Thân...
HƯỚNG DƯƠNG