Năm 2009, nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo, đưa đất nước vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Vượt bão
Năm 2009, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%, mức tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát ở mức 6,86%, so với chỉ tiêu 7% của Quốc hội đề ra. Kết quả Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế vào tháng 12-2009 với mức cam kết tài trợ cho Việt Nam trong năm 2010 trên 8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy cộng đồng quốc tế đánh giá cao đường lối đổi mới và sự lãnh đạo, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Năm qua, Chính phủ đã có nhiều quyết định kịp thời, được xã hội đánh giá cao. Đó là thực hiện gói kích cầu đầu tư sản xuất, tiêu dùng hơn 1 tỷ USD, hỗ trợ lãi suất với mức 4% đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn tại ngân hàng thương mại. Tổng cộng, gói kích thích kinh tế lên tới 7 - 8 tỷ USD. Ngoài ra, Chính phủ còn thực hiện các biện pháp giảm, giãn, miễn thuế, mở rộng thị trường nội địa, cho nông dân vay vốn mua máy móc, vật tư, triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Những giải pháp đó đã tạo ra cú hích quan trọng giúp các doanh nghiệp và nhân dân gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động và tạo thêm việc làm cho 1,5 triệu lao động.
Nếu xét về tổng thể, với mục tiêu ngăn chặn suy giảm, ổn định vĩ mô và an sinh xã hội, có thể nói chúng ta đã “cán đích” năm 2009 khá tốt. Trái ngược với những dự đoán bi quan trước đó về nguy cơ phá sản của hàng loạt các doanh nghiệp và hàng triệu người sẽ mất việc làm, đến nay, đa số doanh nghiệp đã vượt qua cơn sóng gió.
Theo TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, một nền kinh tế có quy mô nhỏ nhưng độ “mở” lớn như Việt Nam lại “thoát hiểm” thành công, nhờ đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn vươn lên mạnh mẽ. TS Nguyễn Quang A đồng tình với quan điểm cho rằng sức bật của kinh tế năm 2009 có công rất lớn của các doanh nghiệp. “Doanh nghiệp Việt Nam rất mạnh mẽ, sáng tạo và bản lĩnh, họ đã không gục ngã trước khó khăn chồng chất”.
Thành công này đã được Quốc hội đánh giá cao trong kỳ họp cuối năm. Ngày 6-1 mới đây, tại cuộc họp mở rộng của Chính phủ để triển khai nhiệm vụ năm 2010, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng khẳng định: “TPHCM hết sức vững tin khi thấy Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã linh hoạt xử lý những vấn đề cấp bách”. Những chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là sáng tạo, kịp thời, phù hợp với thực tiễn của nước ta.
Và bứt phá
Trong thông điệp đầu năm mới 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, qua 2 năm (2008, 2009) đương đầu với những khó khăn thách thức đã cho chúng ta nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu.
Bước vào năm 2010, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo khoảng 3%. Đối với Việt Nam, khó khăn, thách thức vẫn còn nhưng cũng không thiếu thời cơ để chúng ta có thể đạt GDP 6,5% như Quốc hội đã đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, năm 2010 chúng ta có thể phấn đấu GDP cao hơn, có thể là 6,7%, hoặc 6,8% và với những kinh nghiệm đã có, kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên bứt phá cho năm 2010. Ngay từ lúc này, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2010 với 132 giải pháp cụ thể đã được Chính phủ chỉ ra thông qua Nghị quyết về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2010. Trong đó phải kể đến đầu tiên là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và ngăn chặn tái lạm phát. Điều còn lại là Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, cơ sở… thực hiện quyết liệt để hoàn thành mục tiêu to lớn của đất nước.
Những thách thức và cơ hội của năm 2010 đã được Quốc hội, Chính phủ nhận diện sâu sắc ngay khi năm 2009 chưa đi qua. Nhưng có tạo được sự bứt phá cho kinh tế Việt Nam hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính mỗi người Việt Nam. Mà trước hết, những người lãnh đạo và quản lý cần quán triệt sâu sắc quan điểm đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng: “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”.
Phan Thảo