Vượt khó, chung tay cùng cộng đồng

Khối doanh nghiệp (DN) cơ khí, điện không được liệt kê nằm trong danh sách bị ảnh hưởng nặng nề trực tiếp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến nay khối DN này đang dần kiệt sức do đơn hàng khan hiếm, khó khăn bủa vây.
Sản xuất tại Công ty Nhựa Duy Tân - một doanh nghiệp thành viên của Hamee. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất tại Công ty Nhựa Duy Tân - một doanh nghiệp thành viên của Hamee. Ảnh: CAO THĂNG

Bù lỗ để duy trì hoạt động

Nằm trong số những DN có tiềm lực trong Hội Doanh nghiệp cơ khí - Điện TPHCM (Hamee), Công ty TNHH Máy và Sản phẩm thép Việt (Vietsteel) được đầu tư nhà xưởng khang trang trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung, trang bị máy móc hiện đại với doanh số trên dưới 150 tỷ đồng/năm, nhưng giờ đây chỉ hoạt động cầm chừng chưa đầy 30% công suất. “Với việc đầu tư này, nếu hoạt động từ 70% công suất trở lên nhà máy mới từ huề vốn đến có lời, còn như hiện nay thì phải bù lỗ. Điều quan ngại là hiện đơn hàng khan hiếm, đặc biệt từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ có ít đơn hàng nhỏ lẻ ở các khu vực khác, anh em trong hội chia sẻ nhau để có việc làm, trong khi chờ cơ hội”, Tổng giám đốc Vietsteel kiêm Phó Chủ tịch Hamee Huỳnh Kiều Sơn buồn rầu nói.

Theo Hamee, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của ngành, trong đó nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị gián đoạn. Thông thường, đối với nguyên vật liệu thô, DN dự trữ 3 - 5 tháng, còn nguyên vật liệu tinh thì chỉ trữ 3 - 5 ngày, dẫn đến bị động trong sản xuất. Chưa kể, do việc siết chặt vận tải tại các cửa khẩu nên khâu vận chuyển hàng hóa giữa DN trong nước và đối tác không kịp tiến độ sản xuất kinh doanh, dẫn đến chậm trễ đơn hàng; thậm chí đối tác báo ngưng hợp đồng. Thị trường trong nước cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. “Do tác động dây chuyền trong chuỗi cung ứng bị thiếu hụt nên nhiều khách hàng hủy đơn hàng, giảm đơn hàng. Bên cạnh đó, khách hàng tạm ngưng các hoạt động phát triển sản phẩm mới cũng như các dự báo đặt hàng, do lo ngại tình hình thị trường tiêu thụ giảm sút”, đại diện Hamee phân tích.

Để giúp nhau vượt qua khó khăn hiện nay, cộng đồng DN thuộc Hamee đang nỗ lực giúp nhau thông qua việc chia sẻ đơn hàng, giảm giá gia công lẫn sản phẩm… Ví dụ, tại Công ty TNHH Haitian Việt Nam, DN đưa ra chương trình ưu đãi trong tháng 5 và 6-2020, sẽ giảm 5% trên giá trị máy và chỉ cần đặt cọc 5% là có thể xuất máy đến nhà máy đối tác phục vụ sản xuất, 95% còn lại được trả góp trong vòng 2 năm. Hay như Công ty TNHH Thép Huy Hoàng Gia, Công ty Vietsteel, giảm trên dưới 10% (tùy sản phẩm) và kèm theo quà tặng khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn cho khách hàng. Đây được xem là những giải pháp “chưa có tiền lệ” trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong ngành này!

Mong được hỗ trợ kịp thời

Khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trên 1.200 DN về ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, 74% DN có thể sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% DN mất 20% - 50% doanh thu, 60% DN giảm hơn một nửa doanh thu. Điều đáng ngạc nhiên là ngành cơ khí - điện lại không được đưa vào danh sách này, khiến các DN bất bình vì có nguy cơ “bị loại”, không có cơ hội tiếp cận các gói hỗ trợ từ phía Nhà nước.

“Chỉ mong là ngân hàng hạ lãi suất, đóng chậm không phải phạt. Khoản bảo hiểm xã hội cũng vậy. Việc làm khó kiếm, công nhân thì phải nuôi họ chứ, bỏ sao được, tiền đâu mà lo bảo hiểm xã hội. Sức mạnh của hội phát huy cách nào giúp các hội viên. Xin cảm ơn!” - đây là một trong những tin nhắn “cầu cứu” của DN gửi đến Chủ tịch Hamee Đỗ Phước Tống. 

Để hỗ trợ DN trước thực trạng hiện nay, Hamee kiến nghị: Được giảm 5% và giãn 3 tháng thuế VAT; giảm 50% thuế thu nhập DN và giãn 3 tháng; giảm 50% và giãn 3 tháng đối với thuế nhập khẩu; giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, có lãi suất ưu đãi đối với hợp đồng tín dụng đã ký; lãi suất ưu đãi với hợp đồng tín dụng mới; giãn 2, 3 tháng thời hạn đáo hạn các hợp đồng tín dụng đến hạn từ tháng 2 đến tháng 6-2020; giảm 50% giá điện. “Chính phủ cần hỗ trợ ân hạn nợ cho DN 3 quý đầu năm, không chuyển nhóm nợ, không phạt lãi quá hạn để giảm áp lực cho DN trong lúc hàng hóa và công việc ế ẩm mùa dịch”, đại diện Hamee đề xuất. Đặc biệt, với tình hình tăng đột biến sản phẩm thời gian qua, Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra về cấp C/O ở Việt Nam, nguy cơ bị trừng phạt áp thuế do gian lận và giả mạo xuất xứ hàng hóa. Do vậy, cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả quản lý việc cấp C/O (liên quan đến quy trình, nguyên tắc cấp…), tránh tình trạng Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của một số DN Trung Quốc để xuất hàng sang thị trường như Mỹ và châu Âu. Về phía DN, do hiện nay tính cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu và phát triển để làm ra sản phẩm mới. DN cần nhìn nhận kỹ hơn về việc hợp tác với Trung Quốc có khá nhiều rủi ro để rút bớt đầu tư và lệ thuộc, đặc biệt là nguồn nguyên liệu đầu vào.

Điều đáng ghi nhận, trong lúc cộng đồng DN thuộc Hamee đang tìm cách vượt qua khó khăn, hội vẫn chung tay ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn. Hưởng ứng phát động của Ủy ban MTTQ TPHCM, tính đến ngày 7-4, tổng số tiền Hamee đã tiếp nhận từ DN hội viên là 240 triệu đồng và 2.500 khẩu trang y tế. Tất cả tiền, hàng đã được trao trực tiếp cho Ủy ban MTTQ TPHCM và tuyến đầu là 2 Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi và Cần Giờ.

Tin cùng chuyên mục