Trong báo cáo công bố cuối tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản dự báo GDP thực tế của nước này sẽ tăng 2,6% trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3-2022) và 3,2% trong tài khóa 2022. Một số chuyên gia nhận định, nền kinh tế nước này sẽ đặc biệt tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 nhờ các nhà hàng, quán bar và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác hoạt động bình thường trở lại và các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ.
Mặc dù khá lạc quan về triển vọng kinh tế Nhật Bản trong năm nay nhưng đa số chuyên gia đều cho rằng vẫn còn các yếu tố cản trở đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Rủi ro đầu tiên là sự lây lan của biến thể Omicron. Công ty Mizuho Research & Technologies dự báo, Nhật Bản sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,7% trong tài khóa 2022 nếu làn sóng lây nhiễm tiếp theo xảy ra vào mùa hè năm nay và khiến nền kinh tế nước này bị tăng trưởng âm 2,9% trong quý 3-2022. Một rào cản tiềm tàng khác là tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. Vào mùa hè năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã phải cắt giảm sản lượng do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á và tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu. Thời gian gần đây, sản lượng ô tô của nước này đang dần phục hồi. Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ phục hồi của ngành chế tạo ô tô có thể sẽ vẫn ở mức khiêm tốn trong năm nay vì nhu cầu chip toàn cầu có thể sẽ tiếp tục vượt xa nguồn cung.
Cùng với sự khan hiếm nguồn cung chip, sự giảm giá gần đây của đồng yen là một vấn đề đau đầu khác đối với nền kinh tế Nhật Bản. Việc đồng yen giảm giá sẽ tác động tiêu cực tới Nhật Bản do nước này vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như dầu thô. Ngoài ra, một vấn đề đáng quan ngại khác của nền kinh tế Nhật Bản là lạm phát vẫn rất thấp ngay cả khi chính phủ đã tung ra các gói kích cầu khổng lồ.