WinEco và tham vọng “phủ sóng” nông sản sạch

Thành lập năm 2015, hoạt động tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, sau 8 năm, WinEco sở hữu 14 nông trường trải dài khắp các vùng khí hậu ở miền Bắc, miền Nam, Tây Nguyên và Lâm Đồng. Các nông trường WinEco được ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất và quy hoạch thiết kế một cách khoa học, bao gồm: khu sản xuất đồng ruộng; khu nhà màng, nhà lưới, nhà kính; khu sơ chế - đóng gói, bảo quản nông sản.
WinEco và tham vọng “phủ sóng” nông sản sạch

14 nông trường của WinEco có diện tích khoảng 3.000ha cung cấp khoảng 150 các loại rau, quả đến 3.500 siêu thị winmart, winmart+ với sản lượng 100 tấn mỗi ngày; tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp nông sản sạch cho thị trường.

Hàng ngày, buổi làm việc của Mai Thị Túy (người dân tộc Cơ Ho) tại Nông trường nông nghiệp công nghệ cao Farm Wineco Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) bắt đầu từ 6 giờ và kết thúc lúc 17 giờ, với tổng giờ làm là 8 tiếng/ngày. Công việc chính của cô công nhân sản xuất này là thu hoạch cà chua, dưa baby với 1,5 tấn/ ngày, sau đó uốn ngọn, tỉa chồi cho cây… Công việc chân tay tưởng chừng đơn giản lại không phải ai cũng có thể đáp ứng. Bởi, để được tuyển dụng làm công nhân của nông trường, Túy phải có giấy khám sức khỏe đảm bảo không mang bệnh truyền nhiễm khi tiếp xúc với các loại rau quả trồng sạch theo mô hình công nghệ cao tại nông trường.

Mai Thị Túy là 1 trong tổng số 110 công nhân sản xuất là người dân tộc đang làm việc tại Farm Wineco Lạc Dương – nông trường có diện tích 33ha và là 1 trong 14 nông trường lớn nhất cung cấp các loại rau, quả sạch cho hệ thống WinMart trên cả nước. Không chỉ cung cấp những sản phẩm rau, quả sạch cho người tiêu dùng mà nông trường còn góp phần cải thiện cuộc sống của một bộ phận đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Lạc Dương. Với thu nhập mỗi tháng khoảng 6-7 triệu đồng, cuộc sống của Túy đã tốt hơn rất nhiều so với thời gian chưa được tuyển dụng vào làm việc tại nông trường.

Cây cà chua được trồng bằng xơ dừa cùng hệ thống tưới tiêu hiện đại

Cây cà chua được trồng bằng xơ dừa cùng hệ thống tưới tiêu hiện đại

Dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan những khu nhà màng trồng cà chua, dưa baby, lô lô tím… được gieo trồng, thu hoạch công nghệ cao, ông Trần Văn Tá, Giám đốc Farm Wineco Lạc Dương cho biết, các loại rau, quả ở nông trường luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định VietGap, GlobalGap, Organic và được kiểm soát chặt chẽ theo 3 quy trình. Thứ nhất, ở đầu vào sản xuất là quy trình kiểm soát nguyên liệu, nước tưới, phân bón, mẫu định kỳ đất trồng (khoảng 1 tháng/ lần để xem chất dinh dưỡng có đủ cho cây trồng). Thứ hai, trong quá trình sản xuất sẽ kiểm soát chặt chẽ giai đoạn gieo trồng, sâu bệnh hại, công nghệ sản xuất hiện đại và phần mềm hỗ trợ toàn bộ quá trình. Thứ ba là đầu ra sản phẩm luôn tuân thủ thời gian cách ly phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm; tuân thủ điều kiện vệ sinh; nhà sơ chế được kiểm tra, giám sát thành viên. Tất cả các sản phẩm đều đạt 4 không, đó là: không sử dụng giống biến đổi gen (GMO); không sử dụng chất kích thích sinh trưởng; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; không sử dụng chất bảo quản sản phẩm.

Nói về việc làm sao để các quy trình sản xuất được vận hành tốt, ông Trần Mạnh Cường, Đội trưởng Đội sản xuất của Farm Wineco Lạc Dương, cho biết, công việc hàng ngày của ông là giám sát bộ phận kỹ thuật, lên kế hoạch nhân công và vật tư phục vụ sản xuất, phân bổ công việc cho các nhân viên kỹ thuật để họ hướng dẫn công nhân làm việc theo đúng quy trình đề ra… Một phần việc cũng không kém quan trọng khác của ông Cường là đến từng nhà trồng rau quả kiểm tra xem cây trồng có thay đổi gì không, lượng nước cung cấp cho cây ra sao… “Công việc một ngày kết thúc là khi tôi đi được khoảng 6km”, ông Cường chia sẻ.

Bảng theo dõi thời gian chăm sóc, thu hoạch dưa baby

Bảng theo dõi thời gian chăm sóc, thu hoạch dưa baby

Farm Wineco Lạc Dương là ví dụ điển hình cho hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp WinEco (thuộc Tập đoàn Masan). Với địa hình độ cao từ 1.500m trở lên, huyện Lạc Dương có lợi thế phát triển các loại rau có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới theo hướng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn thực phẩm sạch trong nước và thế giới. Báo cáo gần đây của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 62.000ha với giá trị sản xuất bình quân 180 triệu đồng/ ha/ năm. Riêng diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 400-500 triệu đồng/ ha/ năm.

Công nhân đang chăm sóc lô lô tím

Công nhân đang chăm sóc lô lô tím

Theo đại diện WinEco, với dân số 100 triệu người, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp tăng cao năng suất trên một đơn vị diện tích, mà còn bảo đảm cung cấp sản phẩm quanh năm kể cả trái vụ. WinEco đã trở thành nhân tố tiên phong cho sự cải cách và phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam; thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững ở Việt Nam; cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cho thị trường trong nước; góp phần phát triển và nâng tầm vị thế thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Ông Trần Văn Tá, Giám đốc Farm Wineco Lạc Dương nói về việc cung cấp nước cho cây cà chua

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Công ty WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan), nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết sản xuất nhằm nâng cao chất lượng của chuỗi giá trị nông nghiệp theo phương thức canh tác, nuôi trồng hiện đại - an toàn - minh bạch - chất lượng cao. Điều này thực sự quan trọng, nhất là với ngành nông nghiệp Việt Nam, khi mà lực lượng sản xuất và tạo ra sản phẩm phục vụ 100 triệu dân, chủ yếu sống tại nông thôn. Bên cạnh đó, Masan tiếp tục đẩy mạnh việc đưa mô hình bán lẻ hiện đại về các vùng nông thôn nhằm mở rộng cơ hội đưa hàng hóa nông sản địa phương vào chuỗi bán lẻ hiện đại, hướng đến thay đổi bền vững quy trình canh tác, chế biến, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa nông sản địa phương.

Tin cùng chuyên mục