Hôm nay 17-12, Hội Luật gia TPHCM tổng kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2014 - 2016 trên địa bàn TPHCM (gọi tắt là Đề án). Sau 2 năm, với sự huy động nguồn lực từ xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (viết tắt PBGDPL) đã đạt được hiệu quả cao hơn, người dân TP được tiếp cận pháp luật nhiều hơn. Luật sư Nguyễn Văn Hậu (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, Phó Ban chỉ đạo Đề án, thông tin về một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện Đề án:
Hội thi “Thanh niên với pháp luật” do Hội Luật gia TPHCM tổ chức bằng phương thức xã hội hóa
Là 1 trong 15 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm, Đề án được giao cho Hội Luật gia TPHCM chủ trì triển khai thực hiện (theo Quyết định số 666/QĐ-UBND ngày 15-2-2014 của UBND TP về việc phê duyệt Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2014 - 2016 trên địa bàn TPHCM) và đã đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11, trong năm 2014, Hội Luật gia TPHCM triển khai treo 400 tờ phướn tại 5 tuyến đường trên địa bàn TP với nội dung tuyên truyền về Hiến pháp năm 2013 dưới hình thức xã hội hóa vận động các cá nhân, doanh nghiệp tài trợ; phối hợp Nhà Văn hóa Thanh niên, Đài Truyền hình TPHCM và các trường đại học trên địa bàn TP tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật Biển và Hiến pháp năm 2013 cho sinh viên. Năm 2015, Hội Luật gia TPHCM tham gia “Ngày hội pháp luật” tại Khu công nghiệp Bình Tân (TPHCM) để tư vấn, hướng dẫn pháp luật cho hơn 1.500 người lao động tham dự; tham gia Ngày hội tư vấn, giải đáp pháp luật do Báo Lao Động tổ chức tại Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương) với sự tham dự của gần 10.000 công nhân lao động trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, hội phối hợp Nhà Văn hóa Thanh niên, Đài Truyền hình TPHCM, Báo Pháp luật TPHCM tổ chức Hội thi “Thanh niên với pháp luật”. Ngoài kinh phí từ ngân sách, hội vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp số tiền 50 triệu đồng cho việc tổ chức hội thi.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh công tác PBGDPL trên phương tiện thông tin đại chúng, Hội Luật gia TPHCM tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền Hiến pháp 2013 và các văn bản mới có hiệu lực, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân trên các lĩnh vực; thực hiện chương trình “Sống và trò chuyện” với các chủ đề thu hút sự quan tâm của giới trẻ nói riêng và người dân nói chung; thực hiện chương trình “Tìm hiểu Hiến pháp” trên kênh HTV9; tham gia tư vấn pháp luật cho đông đảo khán, thính giả của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, Đài Truyền hình TPHCM, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Dương và một số báo, đài khác...
* PV: Bên cạnh kết quả bước đầu như vậy, quá trình thực hiện Đề án có gặp vướng mắc gì không, thưa ông?
* LS NGUYỄN VĂN HẬU: Quá trình triển khai Đề án, Hội Luật gia TP nhận thấy hiện nay pháp luật hướng dẫn về hoạt động xã hội hóa công tác PBGDPL chưa đầy đủ, chưa tạo được hành lang pháp lý rõ ràng. Chẳng hạn, Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác PBGDPL nhưng lại không có quy định rõ ràng, dẫn đến việc khó thu hút doanh nghiệp tham gia vào Đề án nói riêng và hoạt động PBGDPL nói chung. Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ luật gia không đồng đều, đặc biệt là kỹ năng PBGDPL và tư vấn pháp luật.
Về kinh phí thực hiện Đề án, kinh phí được cấp từ ngân sách trong 2 năm 2014, 2015 là hơn 1,1 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn xã hội hóa do Hội Luật gia vận động trong 2 năm là gần 1,2 tỷ đồng. Xét về mặt tổng thể, nguồn kinh phí từ ngân sách cấp vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tổ chức thực hiện Đề án. Trong khi đó, do đang ở giai đoạn thí điểm và do pháp luật về khuyến khích hoạt động xã hội hóa công tác PBGDPL còn nhiều điểm bị bỏ ngỏ nên nguồn kinh phí huy động từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài ngân sách tương đối hạn hẹp.
* Từ những khó khăn vừa nêu, Hội Luật gia TPHCM có kiến nghị gì?
* Hội Luật gia TPHCM kiến nghị cần mở rộng tiêu chuẩn công nhận báo cáo viên pháp luật nhằm tạo điều kiện cho luật gia, luật sư thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, góp phần thực hiện thành công Đề án. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, hoàn thiện Luật Trợ giúp pháp lý, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để huy động các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý, thu hút mọi nguồn lực hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý. Đồng thời, xác định rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; có chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế cho các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
ÁI CHÂN (thực hiện)