
Mấy năm nay, việc xã hội hóa sân khấu đã mang lại những sinh khí mới cho đời sống sân khấu TPHCM. Từ thành công của những sân khấu xã hội hóa, có nên xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật công lập?
Sinh khí mới, dấu ấn mới...

NSƯT Thành Lộc (trái) và nghệ sĩ Hữu Châu trong vở kịch thiếu nhi “Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh” của Sân khấu kịch IDECAF.
Gần đây, sân khấu TPHCM liên tục xuất hiện những nghệ sĩ trẻ sẵn sàng đầu tư kinh phí từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để thực hiện các vở diễn mới, một lần nữa cho thấy việc xã hội hóa sân khấu đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều phương thức khác nhau.
Các nghệ sĩ khi chưa có điều kiện mở điểm diễn riêng, có thể tham gia xã hội hóa sân khấu theo từng vở diễn. Như Mỹ Uyên với các vở Cõi tình, Sống thử, Bàn tay của trời, 270 Gram; Tuyết Thu với Đôi bờ; Cát Tường với Đôi mắt của biển, Ba chị em… Có thể nói, chính việc xã hội hóa sân khấu đã góp phần đem lại cho công chúng nhiều điểm diễn – vở diễn hay để xem, nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ tài năng để mến mộ.
Sau Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, sân khấu TP lần lượt có thêm các “tên tuổi” mới: Kịch IDECAF, 135 Hai Bà Trưng, Sài Gòn, Phú Nhuận, Nụ Cười Mới… Sự xuất hiện của các sân khấu này không chỉ mang lại một diện mạo mới cho sân khấu thành phố mà còn tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ trẻ có nơi để thể hiện tài năng, nỗi đam mê cháy bỏng của mình với nghệ thuật. Đồng thời, những sàn diễn này, chính là nơi rèn giũa, giúp cho các gương mặt trẻ nâng cao nghệ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu của mình ngày càng tốt hơn.
Nhờ vậy mà các gương mặt trẻ này đủ tự tin tham gia đóng phim với công nghệ mới – thu tiếng trực tiếp. Đó là những Hồng Ánh, Mỹ Duyên, Mỹ Uyên, Cao Minh Đạt, Vân Anh, Thanh Thúy, Thanh Vân, Huỳnh Đông, Hòa Hiệp… Chưa kể, sân khấu xã hội hóa cũng là nơi góp phần tạo nên tên tuổi cho nhiều tác giả, đạo diễn, như: Thanh Hoàng, Hoàng Song Việt, Vương Huyền Cơ, Nguyễn Thu Phương, Trung Dân, Thanh Phương, Vũ Minh, Đức Thịnh, Thái Hòa…
Đặc biệt, từ khi có sự ra đời của đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hóa IDECAF của “bầu” Huỳnh Anh Tuấn, các em thiếu nhi thành phố còn được xem những chương trình sân khấu thiếu nhi “Ngày xửa, ngày xưa” có đầu tư, dàn dựng hoành tráng, hấp dẫn. Có thể nói, sân khấu xã hội hóa đã tạo nên một dấu ấn mới, đẹp trong đời sống nghệ thuật hôm nay.
Có nên xã hội hóa các đơn vị công lập?

Cảnh trong vở kịch “Bàn tay của trời” do diễn viên Mỹ Uyên đầu tư thực hiện.
Sau những thành công nhất định của việc xã hội hóa sân khấu, có nhiều ý kiến cho rằng ngay cả các đơn vị nghệ thuật công lập cũng nên bắt đầu thực hiện xã hội hóa. Có nhiều người ủng hộ ý kiến này, nhưng cũng không ít người không tán thành và đang tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều.
Trên thực tế từ mấy năm gần đây, các đơn vị nghệ thuật công lập ở TPHCM như: Nhà hát Kịch TPHCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang… cũng đã bắt tay thực hiện xã hội hóa sân khấu. Nhà hát Kịch TPHCM ngoài biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, còn tổ chức biểu diễn có doanh thu tại rạp hát Công Nhân, Q1.
Đồng thời, nhà hát còn mời gọi các đạo diễn, tác giả thực hiện vở diễn mới theo phương thức xã hội hóa, nhờ đó mà kịch mục của đơn vị này cũng phong phú thêm. Bên cạnh đó, nhà hát còn xã hội hóa trong phương thức tổ chức biểu diễn. Theo nghệ sĩ Khánh Hoàng – Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM: “Trong năm 2007, nhà hát đã tổ chức thành công nhiều suất diễn theo phương thức xã hội hóa tại miền Trung và Tây Nguyên, mang lại hiệu quả cao. Từ tháng 4-2008, nhà hát tiếp tục trở lại miền Trung biểu diễn… Có thể nói, chính sự tác động của việc xã hội hóa sân khấu mà nhà hát đã có nhiều thay đổi trong hoạt động biểu diễn theo chiều hướng ngày càng tích cực, năng động hơn”.

Nghệ sĩ Hữu Châu trong vở kịch “Cũng cần có nhau” của Sân khấu kịch IDECAF.
Riêng với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, mặc dù còn nhiều khó khăn trước thực trạng khán giả đến rạp xem cải lương không còn đông như trước, nhưng đơn vị luôn khuyến khích, ủng hộ các nghệ sĩ tham gia thực hiện các chương trình xã hội hóa. Nhờ vậy, mấy năm nay, nhà hát có thêm nhóm “Thắp sáng niềm tin”, quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ từng đoạt huy chương vàng giải Triển vọng Trần Hữu Trang tham gia biểu diễn.
Sự xuất hiện của “Thắp sáng niềm tin” không chỉ tạo “đất” cho nghệ sĩ trẻ “dụng võ” mà còn góp phần làm cho rạp hát Hưng Đạo sáng đèn thường xuyên hơn, công chúng mộ điệu cải lương có thêm nhiều vở diễn để lựa chọn. Theo NSƯT – đạo diễn Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: “Việc xã hội hóa sân khấu là một chủ trương đúng, có tác động tích cực đến đời sống sân khấu hiện nay.
Tuy nhiên, sắp tới có nên thực hiện việc xã hội hóa hoàn toàn các đơn vị nghệ thuật công lập hay không thì phải hết sức thận trọng. Tôi nghĩ, tốt nhất là không nên bởi chỉ có những đơn vị nghệ thuật công lập với sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước mới có điều kiện thực hiện những vở diễn quy mô, mang ý nghĩa chính trị, hoặc dàn dựng các vở diễn mang tính thử nghiệm, đi tìm cái mới cho nghệ thuật sân khấu.
Vấn đề là làm sao chúng ta có thể phát huy thế mạnh của những đơn vị nghệ thuật công lập hơn nữa, điều đó hết sức quan trọng và cần được quan tâm đúng mức”. Về việc có xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật công lập trong thời gian tới hay không, bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM cho biết: “Hiện nay, Sở VH-TT TP đang thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả đầu tư thực hiện tác phẩm nghệ thuật” đối với nhiều đơn vị nghệ thuật công lập để trình UBND TPHCM xem xét. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt đề án này cần phải có sự chuẩn bị rất nhiều – từ cơ sở vật chất, trang thiết bị… đến nguồn nhân lực. Trong đó, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là vấn đề đào tạo những nhà quản lý nghệ thuật giỏi và xây dựng các rạp hát mới, hiện đại…”.
Có thể nói, những thành công của việc xã hội hóa sân khấu là điều đáng ghi nhận. Nhưng như thế không có nghĩa là, nhất thiết phải xã hội hóa tất cả các đơn vị nghệ thuật công lập, mà thực tế hiện nay đang đặt ra đối với các ngành chức năng là làm thế nào để có thể vừa phát triển được các sân khấu xã hội hóa, vừa phát huy được hiệu quả những đơn vị nghệ thuật công lập. Làm được điều ấy, chắc chắn khán giả và cả giới sân khấu đều được lợi.
Đỗ Hạnh