Xã hội hóa xây dựng bờ kè sông Sài Gòn


Với nguồn lực xã hội hóa, đã có hàng ngàn mét bờ kè sông Sài Gòn được người dân và các doanh nghiệp tại quận Thủ Đức (TPHCM) góp sức xây dựng. Nhờ vậy bờ sông Sài Gòn đã thay đổi diện mạo, bớt sạt lở.  
Bờ kè kiên cố do Công ty Đại Phúc xây dựng theo hình thức xã hội hóa
Bờ kè kiên cố do Công ty Đại Phúc xây dựng theo hình thức xã hội hóa
Cùng chung tay lo việc chung 
Sông Sài Gòn đoạn chảy qua địa phận các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (quận Thủ Đức) thường xuyên bị sạt lở. Số vụ sạt lở xảy ra ngày càng nhiều và mức độ thiệt hại ngày càng trầm trọng hơn. Dọc tuyến sông, đơn vị chức năng đã cắm nhiều biển cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở để người dân cảnh giác, phòng ngừa. Công tác cảnh báo chỉ ngăn ngừa xảy ra chết người, còn sự cố sụt lún bờ sông, cuốn trôi nhà cửa, vườn cây vẫn cứ xảy ra. Vụ sạt lở tại khu vực bờ sông khu phố 5 (phường Hiệp Bình Phước) đã dìm một ngôi biệt thự và hàng trăm mét vuông đất xuống sông trong giây lát. Biện pháp tối ưu để chống sạt lở là xây dựng bờ kè. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, quận Thủ Đức đã chủ động thực hiện xã hội hóa, huy động sức dân và doanh nghiệp cùng xây dựng bờ kè để chống sạt lở. 
Điểm nhấn về huy động sức dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng bờ kè được thực hiện tại khúc sông xung yếu, thường xảy ra sạt lở, chảy qua địa bàn phường Hiệp Bình Phước, do Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Phúc làm chủ đầu tư. Ông Lê Văn Minh, Tổng giám đốc công ty, cho biết: “Thực hiện chủ trương xã hội hóa của chính quyền địa phương, công ty đã mạnh dạn đầu tư  công trình bờ kè vừa chống sạt lở vừa cải tạo cảnh quan đô thị. Công trình bờ kè có chiều dài 3.350m, với tổng giá trị đầu tư trên 300 tỷ đồng. Bờ kè có kết cấu kè, tường cừ bê tông dự ứng lực, với cao trình dương 2,5m. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, nay công ty bắt tay xây dựng giai đoạn 2”. Những ngày giữa tháng 7, trên công trình này, công nhân và máy móc đang khẩn trương thi công. Những ống bê tông dự ứng lực dài cắm sâu xuống sông. Để bảo đảm an toàn cho phương tiện lưu thông trên sông, hạn chế sạt lở, đơn vị thi công theo hình thức cuốn chiếu, cừ cắm đến đâu hạng mục mặt bờ kè làm xong đến đó. Bờ kè dài hàng ngàn mét đang tiến dần về đích.  
Chủ trương xã hội hóa xây dựng bờ kè đã khơi dậy tiềm lực trong nhân dân, chia bớt gánh nặng với chính quyền. Công trình bờ kè do Công ty Đại Phúc đầu tư đã góp phần làm thay đổi diện mạo hơn 3.500m bờ sông Sài Gòn. Đây là  công trình bờ kè có quy mô lớn, chiều dài và số tiền đầu tư lớn nhất tại quận Thủ Đức. Cùng với Công ty Đại Phúc, trên địa bàn còn có chừng 10 công trình bờ kè quy mô vừa và nhỏ do hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư xây dựng.             
Vững chắc nhưng cần phải đẹp   
Chủ trương của quận Thủ Đức về xã hội hóa, tạo điều kiện cho các hộ dân và doanh nghiệp đầu tư xây dựng bờ kè đã thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa lên đến hàng trăm triệu đồng. Những đoạn sông đã được xây dựng bờ kè, tình trạng sạt lở cơ bản được khống chế. Người dân ven sông đã có thể an cư, không còn thắc thỏm lo lắng. 
Hiệu quả từ xã hội hóa đã thấy rõ, tuy nhiên, với các công trình xây dựng theo phương thức xã hội hóa, chủ đầu tư là gia đình, doanh nghiệp, nên có một số hạn chế cần giải quyết. Điều đáng lo là chất lượng công trình chưa đều. Bên cạnh công trình bờ kè do Công ty Đại Phúc đầu tư đã được Sở Xây dựng phê duyệt thiết kế công trình, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng, còn một số công trình xây dựng bờ kè do người dân xây dựng, có quy mô nhỏ chưa đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật. Một số bờ kè đã không đứng vững khi triều cường, lúc nước ròng. Cùng với nỗi lo về chất lượng, mỹ thuật công trình cũng lộn xộn, không đồng nhất về hình thức, quy cách. Dọc theo bờ sông có 10 công trình bờ kè quy mô lớn nhỏ khác nhau và hình thức mỗi công trình mỗi khác. Sự thiếu thống nhất khi xây dựng bờ kè đã làm mặt tiền bờ sông Sài Gòn trở nên nham nhở, thiếu mỹ quan. Đây là những hạn chế khi thực hiện chủ trương xã hội hóa huy động sức dân xây dựng bờ kè. 
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết việc xây dựng công trình bờ kè sông Sài Gòn phải bảo đảm 3 yếu tố chính: chất lượng công trình để chống sạt lở; kỹ thuật công trình thủy để an toàn cho phương tiện thủy đi lại trên sông; mỹ quan công trình, tạo dựng mặt tiền đô thị. Các công trình bờ kè sông hiện nay mới chú trọng đến yếu tố chất lượng, kỹ thuật, chứ chưa thực sự quan tâm đến mỹ thuật công trình. Vì thế, không riêng bờ kè ở địa bàn quận Thủ Đức, mà ở nhiều nơi dọc theo sông Sài Gòn, hình thức công trình không thống nhất, có nơi làm rất thô. Để có hệ thống bờ kè sông Sài Gòn chắc, bền, đẹp, rất cần có sự chỉ huy thống nhất nhằm kiểm soát chất lượng và mỹ thuật công trình.

Tin cùng chuyên mục