Hội nghị thượng đỉnh EU
Một trong những chủ đề mà 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong các ngày 23 và 24-10 ở thủ đô Brussels (Bỉ) là xác định lộ trình về năng lượng - khí hậu của tổ chức này từ nay đến năm 2030.
Mục tiêu giảm 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU bị chỉ trích là quá thấp.
Giảm 40% khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Theo đó, lộ trình đến năm 2013 bao gồm 3 nội dung chính: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng và giảm tiêu thụ năng lượng. Trong lĩnh vực năng lượng, EU trước đây đã xác định 3 mục tiêu chính đến năm 2020: giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng 20% năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng và tăng 20% hiệu quả sử dụng năng lượng. Tại cuộc họp lần này, EU đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 27% và đặt mục tiêu tiết kiệm lên 30% vào năm 2030. Mục tiêu năng lượng tái tạo này mang tính ràng buộc đối với mọi thành viên EU. Tuy nhiên, Đức đề xuất tỷ lệ 30% trong khi Thụy Điển và Bồ Đào Nha muốn mức cao hơn nữa.
Được khởi động cách đây 8 tháng, các cuộc thảo luận về năng lượng trong EU được xem là nhằm tạo đà để hướng tới một hiệp định toàn cầu về năng lượng với các cường quốc công nghiệp từ châu Á, châu Phi và những nước khác trên thế giới tại hội nghị ở thủ đô Paris, Pháp vào năm 2015. Việc EU xác định mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm tiêu thụ năng lượng là một mục tiêu được dự báo sẽ gây nhiều tranh cãi vì biểu đồ tiêu thụ năng lượng cho thấy tỷ lệ tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của EU chỉ có thể đạt 12% từ nay đến năm 2030.
Không bảo vệ được khí hậu và giúp giảm thất nghiệp
Ngày 22-10, một ngày trước khi hội nghị diễn ra, Tổng liên đoàn lao động châu Âu cảnh báo sẽ có gần 1 triệu việc làm bị xóa sổ nếu như các nhà lãnh đạo EU không đạt được thỏa thuận các mục tiêu trên tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Bernadette Ségol, lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động châu Âu, đại diện cho khoảng 60 triệu lao động, cảnh báo rằng các mục tiêu được đề xuất ở trên là quá thấp để có thể gặt hái được lợi ích từ một nền kinh tế sạch mới. Trả lời phỏng vấn tờ Guardian của Anh, bà Bernadette Ségol nói: “Hiệu quả năng lượng và các mục tiêu của năng lượng tái tạo là phải tạo ra việc làm. Mục tiêu thấp thì sẽ tạo ra ít việc làm hơn. Việc các chính phủ phản đối các mục tiêu đầy tham vọng và ràng buộc đang lãng phí một cơ hội để làm giảm tình trạng thất nghiệp đáng xấu hổ của châu Âu”. Theo nghiên cứu của các nhà phân tích thuộc Đại diện Liên đoàn Công đoàn châu Âu, các chính trị gia có khả năng sẽ vứt đi khoảng 823.000 việc làm mới được tạo ra từ các mục tiêu của các tham vọng trên.
Còn các tổ chức môi trường cho rằng con số 40% không thể hiện nỗ lực của EU vì tổ chức này vốn đang thực hiện mục tiêu giảm 32% khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mục tiêu bắt buộc được áp dụng cho toàn EU nhưng lại không ràng buộc đối với chính phủ của từng nước thành viên. Quan trọng hơn, với mức giảm này, châu Âu không thể bảo vệ khí hậu toàn cầu trước những biến đổi không lường trong những năm qua. Tổ chức Hòa bình xanh trước đó cũng cho rằng đề xuất của EU là chưa tương xứng vì năng lượng tái tạo có thể chiếm tới gần một nửa năng lượng tiêu thụ ở châu Âu vào năm 2030. Các tổ chức phi chính phủ khác cũng kêu gọi EU nâng mục tiêu, trong khi Hiệp hội các nhà khoa học môi trường có trụ sở tại Mỹ cảnh báo mục tiêu cam kết ở mức thấp của EU có nguy cơ tác động tiêu cực tới kết quả của Hội nghị Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 sẽ diễn ra vào tháng 12-2015.
HẠNH CHI (tổng hợp)