
Như Báo SGGP đã đưa tin, ngày 25-8, tại TP Cần Thơ, Bộ VH-TT đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 167/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng về phát triển hoạt động VH-TT vùng ĐBSCL đến năm 2010. Để làm rõ hơn một số vấn đề khi triển khai đề án này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ VH-TT Đinh Quang Ngữ - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện đề án.
° PV: Thưa Thứ trưởng, vì sao Bộ VH-TT xây dựng đề án phát triển hoạt động VH-TT vùng ĐBSCL đến năm 2010? Phải chăng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân vùng ĐBSCL thấp kém hơn những nơi khác?

° Thứ trưởng Đinh Quang Ngữ: Hiện nay nhà nước ta đang có chủ trương xây dựng kế hoạch phát triển cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, do cả 3 vùng này còn khó khăn.
Thời gian qua, hoạt động VH-TT ở ĐBSCL đã có bước phát triển, nhưng chưa xứng tầm với yêu cầu mới. Như chúng ta đã biết, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Cái thiếu nhất hiện nay ở ĐBSCL là hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Để xây dựng hệ thống này, Chính phủ đã quyết định triển khai đề án do Bộ VH-TT xây dựng, với mục tiêu là làm thế nào trong 10 năm tới, đời sống văn hóa của người dân ĐBSCL được nâng cao, các thiết chế văn hóa được nâng cao và đặc biệt là ở cấp xã có các nhà văn hóa, có tổ chức hoạt động tốt.
° Như vậy, nội dung chủ yếu của đề án là xây dựng các thiết chế, trong khi hoạt động văn hóa là hết sức cần thiết?
° Thiết chế văn hóa hết sức quan trọng. Bà con Khmer có chùa là thiết chế văn hóa rất khang trang. Trong khi đó, cấp cơ sở của chúng ta hiện nay rất thiếu thiết chế vì đây là điều kiện vật chất rất cơ bản để nhân dân có nơi hoạt động. Tất nhiên, đi đôi với việc xây dựng thiết chế phải có cán bộ am tường hoạt động văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống như dân ca, cải lương. Hàng năm, khi có thiết chế văn hóa rồi thì tổ chức các hội thi, hoạt động văn hóa nhằm lưu giữ và phổ biến các loại hình văn hóa truyền thống như đàn ca tài tử, cải lương, dân ca…
° Việc xây dựng hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa như đề án đề ra sẽ không ít kinh phí (hơn 1.000 tỷ đồng). Như vậy, cần phải có một “lộ trình vốn” vì ngân sách nhà nước có hạn?
° Đúng như vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là bố trí vốn. Tuy nhiều năm trở lại đây, đất nước phát triển khá nhưng ngân sách còn hạn chế. Đầu tư cho văn hóa ít hơn các lĩnh vực khác nên các địa phương rất dễ quên. Nhưng, chính cái ít này lại hết sức quan trọng. Do vậy chúng tôi xây dựng đề án, vạch ra những mục tiêu cụ thể từng năm. Cái khó nữa là khi triển khai là phải làm thế nào từ Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính; Bộ VH-TT và cấp sở ở địa phương thống nhất phương án đầu tư nhằm biến mục tiêu thành hiện thực.
° Hiện nay có một số công trình, thiết chế văn hóa ở các địa phương đã xuống cấp do không hoạt động; không ít địa phương có nhà văn hóa mới nhưng lại không hoạt động được?
° Trong ngành VH-TT, chúng tôi đã quy định rất rõ từng cấp tỉnh, huyện, xã, khóm ấp có loại thiết chế gì. Có một số thiết chế cũ, xuống cấp sẽ được nâng cấp cải tạo; chỗ nào chưa có sẽ được xây dựng mới. Ở cấp cơ sở, muốn hoạt động VH-TT có hiệu quả, phải có con người. Cán bộ VH xã phải tổ chức dân, có lịch trình như thế nào để hoạt động có hiệu quả. Sắp tới đây, khi triển khai đề án, Bộ VH-TT sẽ tổ chức các hoạt động hàng năm nhằm nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong vùng.
° Thưa Thứ trưởng, để đề án đi vào hiện thực, cần những giải pháp nào?
° Việc triển khai đề án là hết sức cần thiết nhằm xây dựng các thiết chế văn hóa cơ bản cho toàn vùng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong hoàn cảnh ngân sách còn thiếu, Bộ VH-TT đề nghị các địa phương xây dựng lộ trình các dự án ưu tiên (biên giới, hải đảo; vùng lũ và vùng đồng bào dân tộc thiểu số...) để tránh đầu tư dàn hàng ngang. Sau hội nghị này, Bộ VH-TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, có văn bản trình Chính phủ, phân công phân nhiệm rõ ràng cho các cấp ngành để tổ chức thực hiện hoàn thành đề án.
° Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Một số mục tiêu cụ thể của đề án |
TRẦN MINH TRƯỜNG