
Hầu hết các đô thị Việt Nam thường phát triển tự phát, theo kiểu “trên bến dưới thuyền”, ở ngã ba sông, cửa biển, để rồi hình thành cảng, khu dân cư… Khi cơ sở hạ tầng đường bộ phát triển hơn, các đô thị có xu hướng mở rộng về phía nội địa, phần dọc bờ sông bị thu hẹp lại. Ngày nay, cùng với sự hình thành nhiều khu dân cư, khu công nghiệp, các hoạt động sinh sống của thị dân cũng thay đổi theo sự phát triển.
Phát triển đô thị bền vững
Đô thị Việt Nam luôn gắn với nền văn hóa từng vùng. Đô thị ven sông Lam gắn với câu hò đò đưa xứ Nghệ. Cố đô Huế đắm mình theo câu hò sông Hương, núi Ngự… Do quy hoạch tài nguyên môi trường chưa có, còn quy hoạch xây dựng đô thị thì chắp vá, tự phát là chủ yếu nên có hiện tượng mật độ dân cư dày đặc ở trung tâm. Không được kiểm soát từ đầu, đô thị trong quá trình phát triển rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng ngày càng tăng và vượt qua tầm kiểm soát như: ô nhiễm sông rạch, suy thoái hệ sinh thái dòng sông và ven bờ, khai thác cát quá mức làm sông đổi dòng hay tạo dòng chảy rối, sạt lở bờ nghiêm trọng, bồi lắng thành cồn; xây dựng cảng sông lộn xộn; chất lượng nước thay đổi theo hướng xấu đi; làm nhà thuyền, nuôi trồng, lấn chiếm dòng chảy.

Hiện nay ai cũng cảm nhận được là nhiệt độ nội đô cao hơn vùng ngoại ô và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn hơn trước. Đó là hệ quả của quá trình bê tông hóa, quá trình bức xạ, phản xạ nhiệt ngày một cao hơn, ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn, hiện tượng đảo nhiệt trên bầu khí quyển thấp của thành phố ngày một tăng, mưa đô thị ngày một nhiều hơn.
Các điểm ngập nước ngày càng nhiều, thời gian ngập lâu hơn. Đó là chưa nói đến khi hiện tượng hiệu ứng nhà kính tăng, nước biển dâng 20-50cm trong vòng 15-20 năm nữa, đô thị ngập triều của ta rồi sẽ ra sao? Biện pháp phát triển bền vững là cố gắng xây dựng thành đô thị sinh thái ở những nơi có điều kiện và đô thị thân thiện sinh thái đối với đô thị cũ khó cải tạo.
Xây dựng đô thị sinh thái
Những đô thị sắp xây dựng nên quy hoạch theo kiểu đô thị sinh thái, trong đó có cả khu công nghiệp sinh thái, khu dân cư sinh thái. Có 4 nguyên tắc chính để tạo dựng những thành phố sinh thái:
1- Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên.
2- Đa dạng hóa nhiều nhất việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người.
3- Trong điều kiện có thể, cố giữ cho hệ thống đô thị được khép kín và tự cân bằng.
4- Giữ cho sự phát triển dân số đô thị và tiềm năng của môi trường được cân bằng một cách tối ưu.
Xây dựng một đô thị sinh thái phải đạt những chỉ tiêu sau đây: Có diện tích cây xanh cao, tính trên đầu người 12 – 15m2, có mảng xanh, bãi cỏ bờ sông, giữa khu dân cư và công nghiệp. Các trục lộ giao thông cũng cần cây xanh, cây che bóng ngăn chặn tiếng ồn, bụi và tăng cường trao đổi oxy. Bảo đảm nguồn nước cấp 150 – 200 lít/ngày/người; xử lý triệt để nước thải. Hệ thống giao thông và những phương tiện giao thông đảm bảo tiêu chuẩn đường và mật độ đường trên số dân, dành khoảng 30% diện tích cho lưu thông, không gian thoáng.
Tăng cường hệ thống giao thông thủy nhưng cần lưu ý các phương tiện giao thông không gây ô nhiễm cho sông rạch. Bố trí quy hoạch khu nhà ở, khu làm việc, khu dịch vụ, chợ, cửa hàng, nơi vui chơi giải trí hợp lý để con người giảm bớt đi lại bằng phương tiện cơ giới. Không cho chất thải làm ô nhiễm môi trường đất, sử dụng quỹ đất thành phố thích hợp để vừa có đất xây dựng cơ sở hạ tầng vừa có đất dành cho khu dân cư, công viên, đất cho rừng phòng hộ môi trường.
Không khai thác nước ngầm quá mức gây mất nguồn tài nguyên, ô nhiễm nước ngầm và sụt lún. Bảo đảm sự cân bằng nước tự nhiên trên lưu vực sông xây dựng các đô thị. Quy mô dân số và phát triển kinh tế - xã hội của đô thị được giữ ở mức phù hợp với khả năng “chịu tải” (khi quy hoạch phải tính kỹ) của môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Môi trường không khí không vượt quá ô nhiễm cho phép. Hạn chế sử dụng năng lượng nhiên liệu hóa thạch, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió tự nhiên. Diện tích mặt nước (ao, hồ, sông, rạch) cân đối với diện tích dân số đô thị để tạo cảnh quan môi trường và khí hậu mát mẻ.
Luôn quy hoạch hồ điều hòa những nơi có thể để hạn chế ngập. Phải cân đối giữa đầu vào (tài nguyên, năng lượng, thực phẩm) và đầu ra (chất thải, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ). Thay đổi cách sống đô thị và cách sản xuất để làm sao cho các dòng vật chất, nguyên liệu, năng lượng diễn ra trong chu trình khép kín. Cần có hệ thống giám sát, thông tin môi trường thường xuyên để điều chỉnh kịp thời. Gắn sinh thái đô thị với văn hóa bản địa, tập quán sông nước, với du lịch sinh thái.
Xây dựng đô thị sinh thái là vấn đề rất quan trọng, cần thiết và cấp bách, nhất là trong giai đoạn tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa và dấu hiệu suy thoái đô thị ngày một tăng cao như hiện nay. Vì vậy, ta cần xây dựng quy hoạch các đô thị sinh thái ngay từ bây giờ cho các vùng đô thị mới, hoặc sửa chữa, thay đổi trong điều kiện có thể, các đô thị cũ thành đô thị sinh thái theo kiểu “đô thị thân thiện với sinh thái”.
GS.TSKH LÊ HUY BÁ