Xây dựng một nghị quyết xứng tầm cho kinh tế tư nhân

Chiều 15-5, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã chia sẻ, góp ý, đề xuất nhiều giải pháp để có một nghị quyết xứng tầm cho kinh tế tư nhân phát triển. 

DSC_2064.JPG
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tham gia góp ý, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu, khi đọc dự thảo nghị quyết, cá nhân bà cho rằng, đây là nghị quyết không áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, trong đó, bà quan tâm tới vấn đề thanh, kiểm tra.

Theo quy định dự thảo, số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm, ĐB Phạm Khánh Phong Lan băn khoăn, liệu quy định này có phù hợp với tình hình hiện nay. Theo ĐB, năm 2017, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 20 có nội dung tương tự khi quy định thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp không quá 1 lần/năm. Sau đó, chỉ thị trên đã được bãi bỏ năm 2024 bằng Quyết định 1182.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, quy định không thanh tra quá 1 lần/năm như dự thảo nêu, hiệu quả công tác thanh tra không cao.

DSC_2080.JPG
ĐB Phạm Khánh Phong Lan góp ý cho dự thảo nghị quyết. Ảnh: ĐỖ TRUNG

"Nếu tôi là doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là nhà nước, nếu tháng 1 đã thanh tra, thì trong 11 tháng còn lại, doanh nghiệp muốn làm gì thì làm? Trong đầu doanh nghiệp suy nghĩ, yên tâm, thanh tra không có quyền vô nữa. Đây là một điều dở, tôi rất đồng ý quan điểm không thể chấp nhận thanh tra nhiều sẽ gây nhũng nhiễu, tiêu cực, nhưng việc nào ra việc đó. Không vì sợ nhũng nhiễu mà chúng ta loại bỏ hiệu quả của thanh tra", ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói.

Cũng theo ĐB, với quy định trên, ngành thanh tra sẽ bị "trói tay trói chân", trong khi tình hình hàng nhập lậu, kém chất lượng, hàng giả ngày càng nhiều. ĐB ví von: "Nếu thật là vàng thì sợ gì lửa".

Đồng tình, ĐB Trần Anh Tuấn còn đề nghị bổ sung thêm cơ chế phản hồi kết luận thanh, kiểm tra: "Nhiều khi kết luận thanh tra chưa rõ, doanh nghiệp muốn giải thích thì không nhận được bản giải thích, chờ rất lâu, thậm chí im lìm".

DSC_2195.JPG
ĐB Trần Anh Tuấn đề nghị có cơ chế phản hồi kết luận thanh tra để doanh nghiệp tư nhân có quy trình giải thích, làm rõ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong khi đó, ĐB Trần Kim Yến hy vọng, với những cú hích đột phá về chính sách, kinh tế tư nhân sẽ phát triển theo đúng chủ trương của Đảng và đúng theo nguyên tắc, những gì tư nhân có thể làm thì nhà nước không cần làm. Theo ĐB, hiện nay, các doanh nghiệp mới, non trẻ đang mong muốn có sự bình đẳng trong kinh doanh, những doanh nghiệp non trẻ này thường bị cản trở bởi các doanh nghiệp "sân sau".

Góp ý cụ thể, ĐB Trần Kim Yến đề nghị, thay vì gọi là "cải thiện môi trường kinh doanh", nên gọi là "tạo môi trường kinh doanh bình đẳng". Từ việc thay đổi này, các điều khoản trong đó sẽ bao gồm các quy định giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các nội dung "hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng trong sản xuất kinh doanh", doanh nghiệp rất quan tâm, nhưng thực tế để tiếp cận được là rất khó.

"Chúng ta đã có những quy định này, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận chính sách do nhà nước đem lại, hầu như đếm trên đầu ngón tay, vì liên quan tới tài sản công", ĐB Trần Kim Yến đề nghị nghị quyết phải quy định chi tiết hơn.

DSC_2132.JPG
ĐB Trần Kim Yến góp ý cho dự thảo nghị quyết. Ảnh: ĐỖ TRUNG

ĐB Nguyễn Minh Đức cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nêu, đến 2030 phấn đấu 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/1.000 dân và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12% GDP…, giải quyết việc làm cho khoảng 85% tổng số lao động…

Theo ĐB, với những mục tiêu quan trọng và lớn như vậy thì nghị quyết này liệu có giải quyết được ngay trong giai đoạn này. ĐB cho rằng, cơ quan chức năng phải tập hợp cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh cùng ngồi với doanh nghiệp tư nhân để soi chiếu lại các quy định đang vướng gì, điểm nghẽn gì, sự bình đẳng ra sao.

DSC_2294.JPG
ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị các cơ quan cần bàn bạc kỹ lưỡng, không cần nóng vội, mà cần một nghị quyết xứng tầm để đưa kinh tế tư nhân đột phá, phát triển. Ảnh: ĐỖ TRUNG

"Cơ quan soạn thảo cần tham mưu, trao đổi với Chính phủ, bàn bạc kỹ lưỡng, không cần nóng vội, mà cần một nghị quyết xứng tầm, ít nhất giải quyết được mục tiêu đến năm 2030 như Nghị quyết 68 đã nêu. Vấn đề đầu tiên, phải tạo cho được sự bình đằng, tháo được những điểm nghẽn, đặt ra trách nhiệm cho cơ quan quản lý theo ngành dọc từ Trung ương tới địa phương ở từng lĩnh vực", ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị.

ĐB Trần Hoàng Ngân nhận định, nghị quyết này ra đời là đúng lúc, kịp thời vì đất nước đang tăng tốc phát triển để trở thành nước có thu nhập cao.

Hiện nay, khu vực tư nhân đang đóng góp 51% GDP, 55% tổng vốn đầu tư xã hội và 30% tổng thu ngân sách…, điều đó chứng minh, khu vực tư nhân đang chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Nếu khu vực này không được tăng tốc, thì cả nước sẽ không phát triển được.

Tin cùng chuyên mục