Cuối năm, vào mùa cưới, hầu như tuần nào cũng có họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè, láng giềng mời dự tiệc cưới. Thậm chí có ngày đến 2 - 3 đám cưới cùng mời, phải suy nghĩ đi đám nào, gửi tiền đám nào, nếu đi hết thì phải chật vật “chạy sô” gửi quà, tiền mừng cho từng đám cưới. Đặc biệt, đối với những thiệp mời do mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, thông gia hoặc công việc làm ăn, buộc lòng phải dự cho đúng lễ nghĩa thì càng làm cho các công nhân viên, người lao động phải bận tâm lo lắng về tài chính, bởi nguồn thu nhập của họ sẽ bị cắt xén đi rất nhiều trong điều kiện kinh tế hiện nay. Tiền mừng một đám cưới cũng phải 400.000 đồng mới “coi được”, bởi chi phí đặt một bàn tiệc quá cao. Mỗi tháng dự 4 đám cưới kể như đi đứt nửa tháng lương.
Đám cưới hiện nay vẫn chú trọng chuyện tiệc tùng, mời thật đông người, bất chấp chuyện người tổ chức cưới và người đi dự đều khổ vì thu nhập có hạn. Đám cưới xong “kéo cày trả nợ” là chuyện thường tình. Người đi dự đám cưới phải vay tiền để đi mừng cưới cũng chẳng là chuyện hiếm. Chuyện sĩ diện, quan niệm đám cưới cả đời chỉ có một lần nên phải tổ chức cho rôm rả, hoành tráng là chuyện cần khắc phục. Đám cưới tổ chức văn minh, tiết kiệm không lãng phí là điều các bạn trẻ bước vào hôn nhân cần tính toán và quyết định. Về việc cưới hỏi, nhà nước đã có những quy định nhằm hạn chế tiêu cực phát sinh, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm. Tuy nhiên, thời gian qua, ngay trong cán bộ công chức cũng chưa triệt để thi hành. Không ít cán bộ vẫn tổ chức tiệc cưới cho con rất rình rang, mời cả ngàn khách, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc của nhiều người. Họ tận dụng cả nhân viên, xe công và trụ sở cơ quan phục vụ tiệc cưới, rất phản cảm, gây dư luận xấu trong đơn vị và xã hội.
Cơ quan, đơn vị nào cũng có tổ chức Đảng, đoàn thể nhưng các tổ chức này chưa làm hết trách nhiệm trong việc vận động, nhắc nhở cán bộ công chức tổ chức tiệc cưới văn minh tiết kiệm, do ngại đụng chạm đến tâm tư tình cảm, phong tục tập quán cũ đã ăn sâu vào suy nghĩ một số người, hoặc không dám đấu tranh với những động cơ tư lợi của một số cán bộ qua việc tổ chức tiệc cưới.
Để dần chấm dứt những mặt hạn chế lãng phí, tiêu cực từ việc tổ chức tiệc cưới rình rang, nên quan tâm hơn nữa việc tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức cưới của gia đình cán bộ công chức. Trước hết, cần tạo dư luận phê phán và kỷ luật ngay những cán bộ công chức tổ chức đám cưới có tính chất vụ lợi, qua các biểu hiện như mời quá đông người, trưng dụng con người và phương tiện vật chất cơ quan để phục vụ; tổ chức tiệc cưới hoành tráng, xa hoa lộng lẫy ở nhà hàng đắt tiền, mời nhiều người không thân quen; số tiền bỏ ra tổ chức tiệc không phù hợp thu nhập chính đáng của bản thân cán bộ công chức…
Cần cụ thể hóa các quy định của nhà nước về việc tổ chức tiệc cưới vào điều kiện thực tế của cơ quan đơn vị mình để vận động thực hiện và quản lý cán bộ công chức cho phù hợp. Đặc biệt là cần đấu tranh kịp thời với những hành vi sĩ diện, né tránh, ngụy biện đổ thừa cho gia đình mà không thấy trách nhiệm cá nhân cán bộ công chức phải gương mẫu. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được nếp sống văn minh trong việc tổ chức cưới phù hợp với một xã hội văn minh, hiện đại.
VÕ HUỆ (quận 12, TPHCM)