Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại TPHCM, Đà Nẵng

Chiều 23-10, báo cáo với Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC

Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như: tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng. Các chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 23-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 23-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm…

“Các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế. Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng kỳ vọng. Các loại thị trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa đảm bảo điều kiện phát triển bền vững”, người đứng đầu ngành KH-ĐT nhận định.

Dự báo thời gian tới, khó khăn, thách thức còn rất lớn, Chính phủ xác định sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Chính phủ cũng cho biết sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, vừa đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; vừa tập trung xử lý các nhiệm vụ thường xuyên, quyết liệt chỉ đạo, xử lý từng bước dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.

Đại biểu dự họp

Đại biểu dự họp

Đáng lưu ý, trong nhóm giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ xác định sẽ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại TPHCM, Đà Nẵng. Mô hình này, cùng với các mô hình nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới… được thực hiện thông qua huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển.

Chính phủ cũng cam kết nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực; rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2021-2023 có sự thay đổi tích cực

Theo báo cáo của Chính phủ, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong đó, nổi bật là nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Xuất siêu 8 năm liên tiếp, năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD, năm 2022 đạt 12,1 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 15 tỷ USD.

Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt 8.479.700 tỷ đồng (khoảng 366,1 tỷ USD); năm 2022 ước đạt 9.513.300 tỷ đồng (khoảng 408,7 tỷ USD); năm 2023 ước đạt 10.286.800 - 10.384.600 tỷ đồng (khoảng 435,4 - 439,5 tỷ USD).

Tin cùng chuyên mục