Xây nhà vệ sinh công cộng thông minh và tiện nghi

Báo Nikkei Asia (Nhật Bản) công bố một khảo sát vào cuối tháng 1-2023 về xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) của 69 thành phố du lịch, trong đó TPHCM và Hà Nội của Việt Nam nằm trong tốp các thành phố có thứ hạng tệ nhất bảng (Hà Nội thứ 66, TPHCM thứ 67/69). Sau khi Báo SGGP mở diễn đàn về vấn đề này, bạn đọc đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Tôn Thất Tùng. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Tôn Thất Tùng. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

* Ông HỒ CÔNG THÀNH (phường 7, quận 8, TPHCM): Thu phí để duy trì

NVSCC sạch sẽ, thoáng mát… là nhờ thiết bị mới, nước xả thải đầy đủ và nhân viên siêng năng quét dọn. Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh chung thì rất cần ý thức của từng người. NVSCC ở trung tâm thành phố được đầu tư bài bản, khoa học, có dép thay đổi để tránh làm bẩn và ướt sàn nhà. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mang giày của mình vào. Đó là chưa kể, nhiều người rửa tay, rửa mặt rồi vẩy tung tóe, văng cả lên người khác.

Hiện nay, dọc trên các tuyến quốc lộ có nhiều trạm dừng chân, cây xăng… Những nơi này đều có NVSCC để phục vụ hành khách. Cứ sau mỗi đợt dừng xe của hàng chục xe khách thì tình hình trở nên phức tạp. Và nhân viên phục vụ lại tổ chức quét dọn. Các NVSCC đều không thu phí, nhưng ở ngay cổng ra vào đều có một thùng trong suốt với đủ mệnh giá tiền.

Tôi có thói quen giữ một số tiền mệnh giá nhỏ trong ví để khi xong việc ở NVSCC thì bỏ vào thùng. Thậm chí ở những nơi không có đặt thùng, tôi cũng trân trọng gửi một số tiền nhỏ cho nhân viên ngồi ở cổng ra vào. Một số người bạn tôi ở nước ngoài cho biết, NVSCC có, hay không thu phí đang là tranh cãi ở từng địa phương. Có lẽ chúng ta không nhất thiết phải nặng lòng với việc có thu phí hay không. Bởi lẽ, đây là hành vi tự nguyện tỏ rõ thái độ tích cực và chia sẻ với các nhân viên phục vụ NVSCC. Mặc dù, nhân viên phục vụ có chi phí bồi dưỡng của tổ chức, hay doanh nghiệp nào đó, nhưng thêm một phần nhỏ của mình nữa, tôi tin rằng họ sẽ rất vui và duy trì tốt hơn nữa công việc của mình!

* Anh HỒ TỰ THĂNG (quận 12, TPHCM): Thăm dò ý kiến người dân

Thực trạng của việc xây dựng NVSCC hiện nay là quá ít và chất lượng không đảm bảo, đặc biệt là tại những khu vực đông dân cư và đông khách du lịch. Điều này gây ra nhiều bất tiện và mất vệ sinh nơi công cộng.

Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể xây dựng những NVSCC thông minh và tiện nghi, với thiết bị vệ sinh hiện đại và đầy đủ, thường xuyên được vệ sinh và bảo trì hệ thống. Ngoài ra, việc tạo môi trường sống xanh, sạch đẹp, với cỏ cây và hoa lá cũng là hướng đi tuyệt vời để kích thích xây dựng NVSCC, vì nó sẽ tạo ra niềm tự hào về nơi mình đang sống.

Các giải pháp cụ thể: đầu tiên là tìm địa điểm phù hợp, thích hợp, nhưng không quá xa khu vực đông dân cư để thuận tiện cho người dân khi sử dụng; sau đó, chúng ta có thể xây dựng một kế hoạch thiết kế hoàn chỉnh, bao gồm cả kích thước, vị trí, số lượng nhà vệ sinh... Nếu chúng ta muốn đảm bảo NVSCC đáp ứng đủ nhu cầu của cộng đồng, thì có thể tổ chức cuộc thăm dò ý kiến người dân và thu thập các phản hồi.

* Bà NGUYỄN THỊ A (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TPHCM): Cần đặt ở vị trí phù hợp

Hệ thống NVSCC trong thành phố hiện chưa đồng bộ, các vị trí đặt chưa phù hợp dẫn đến tình trạng tiểu tiện bừa bãi vẫn tồn tại. Thành phố nên xây dựng, lắp đặt NVSCC ở các khu vực có nhiều người qua lại như công viên, bệnh viện..., hạn chế đặt những vị trí là bộ mặt của thành phố như gần các trụ sở của các đại sứ quán. Mặt khác, rất nhiều nhà NVSCC vẫn nhếch nhác, mất vệ sinh. Có nhiều NVSCC ở bệnh viện, trường học, mới chỉ bước vào cửa, mùi khai đã nồng nặc, thật sự ai bí lắm mới bước tiếp vào trong. Không những thế, vấn đề thu phí cho mỗi lần đi vệ sinh khoảng 3.000-5.000 đồng, cũng đang là một trở ngại. Mặc dù con số này không cao, nhưng những người lao động như xe ôm, người dân ở các tỉnh lên thành phố khám chữa bệnh... cũng ngại vào.

Tóm lại, để đảm bảo vệ sinh môi trường, thành phố cần có kế hoạch xây dựng NVSCC hợp lý (từ vị trí, thu phí); có biện pháp tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình ở khu vực trung tâm sẵn lòng cho du khách đi nhờ nhà vệ sinh trong nhà của mình. Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua, đó là thành phố cần có giải pháp đảm bảo các NVSCC luôn sạch sẽ, thoáng mát.

Từ năm 2017, UBND quận 1 đã chỉ đạo UBND các phường vận động được 100 vị trí từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận, tạo điều kiện để người dân và du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Ở các điểm có hỗ trợ nhà vệ sinh miễn phí đều gắn logo màu xanh với dòng chữ “Toilet - Free of charge” nhằm giúp người dân và du khách nhận biết. Dù vậy người dân, du khách còn tâm lý ngần ngại khi cần sử dụng nhà vệ sinh tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp. Trong khi đó, tại các nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí thì ý thức người sử dụng chưa cao, không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng; thậm chí còn tình trạng người sử dụng xả rác, tận dụng tắm giặt, hoặc lấy cắp vật dụng nhà vệ sinh.

Tin cùng chuyên mục