Phát triển nhà vệ sinh công cộng để phục vụ người dân và du khách

LTS: Theo Sở TN-MT TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 255 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), tập trung nhiều nhất trong khu vực nội thành là quận 5 với 38 NVSCC; quận 1 và quận 3 mỗi quận có khoảng 10-18 NVSCC… Để góp phần giữ gìn thành phố xanh - sạch - đẹp, Báo SGGP mở diễn đàn hiến kế phát triển NVSCC để phục vụ người dân và du khách, phát triển du lịch.
Nhà vệ sinh công cộng không thu phí trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TPHCM
Nhà vệ sinh công cộng không thu phí trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TPHCM

GS-TS NGUYỄN VĂN PHƯỚC

Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM: Cần làm mới các NVSCC hiện hữu

Hiện nay, thành phố đã có các NVSCC tại các công viên, bến xe, bến tàu, các cây xăng và nhiều nơi khác. Các NVSCC này đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, hiện tượng vệ sinh bừa bãi vẫn còn tồn tại rất phổ biến. NVSCC nhếch nhác, tanh hôi không chỉ làm xấu hình ảnh bộ mặt đô thị mà còn khiến du khách ái ngại. Để đảm bảo môi trường xanh, sạch xứng tầm một đô thị lớn, TPHCM cần có các biện pháp xử lý hữu hiệu hơn. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm hành vi tiểu tiện, vẽ bậy bừa bãi tại khu vực công cộng. Ở một khía cạnh khác, các nhà hàng, tiệm buôn bán hàng hóa, cây xăng... phải sẵn lòng cho phép khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh của mình (có thể thu tiền nếu muốn, nhưng chỉ thu một khoản nhỏ lấy lệ thôi). Giải pháp dài hơi là thành phố cần đầu tư, cải tạo hệ thống các NVSCC hiện hữu này sao cho có văn hóa, nhất là phải sạch đẹp, có biện pháp thông gió khử mùi và phun mùi dễ chịu. Có đồng bộ được các yếu tố này thì mới giải được bài toán bất cập NVSCC hiện nay.

Ông HUỲNH GIA GIANG

Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3, TPHCM: Không nên rập khuôn theo một mẫu NVSCC

Quận 3 có 2 tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc là Hoàng Sa và Trường Sa, đi qua các phường 9, 11, 12, 13, 14 và Võ Thị Sáu, nhưng nhiều năm qua không có NVSCC. Để xây dựng hệ thống NVSCC trên 2 tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc này thì cấp phường không thể thực hiện được, mà cần có sự phối hợp của nhiều ngành, lĩnh vực của quận và thành phố. Giải pháp xây dựng NVSCC trên 2 tuyến đường này phải đồng bộ với hệ thống cấp điện, cấp nước, hầm tự hoại, xử lý nước thải, gắn với khu vực tập kết, thu gom rác thải từ các thùng rác dọc tuyến kênh.

Về thiết kế, không nên rập khuôn thống nhất theo một mẫu NVSCC trên 2 tuyến đường ven kênh này. Có thể theo mẫu thiết kế nhà vệ sinh mang tính hài hước, vui vui, mang tính chất cổ điển, thông minh, tiện lợi, văn minh và gắn với mỹ quan khu vực xung quanh để thu hút sự chú ý của người dân đi trên đường và dạo công viên, tập thể dục hàng ngày. Năm 2023, quận 3 sẽ sớm thực hiện dự án này tại các phường trên địa bàn có 2 tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc và một số khu vực công cộng ở trung tâm thành phố.

Ông VŨ HUY LONG

TP Thủ Đức, TPHCM: Không khó thực hiện, nếu đồng thuận

Cách đây vài năm, người đi đường đã thích thú với các NVSCC “5 sao”. Ở Công viên Tao Đàn hay công viên bờ sông, bên dưới cầu Sài Gòn có một số nhà vệ sinh do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng. Bước vào đây, mọi người đều cảm nhận môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Ở những NVSCC này, nhân viên phục vụ hòa nhã, không thu phí và có dép sạch để thay đổi. Do vậy, sàn nhà luôn khô ráo, sạch sẽ. Hệ thống xả nước bằng điện đã giúp người đi đường không có cảm giác ái ngại trong thời điểm thành phố đang trải qua giai đoạn “bình thường mới” sau dịch bệnh.

Được biết, chi phí vận hành, duy trì NVSCC sạch, đẹp, vệ sinh như vậy cũng khá đắt đỏ. Tuy nhiên, các tập đoàn và doanh nghiệp đều có cách giải quyết chi phí này. Bởi lẽ, chi phí nêu trên vẫn còn thấp so với chi phí một bảng quảng cáo ngoài trời. Trong trường hợp này, NVSCC vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân, hỗ trợ thành phố thêm sạch, đẹp, an toàn mà còn góp phần quảng bá thương hiệu của tập đoàn, doanh nghiệp. Điểm mấu chốt là chính quyền các địa phương cần xác định người sử dụng ở từng khu vực, tuyến đường… để tiến hành xây dựng NVSCC thực chất, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của người đi đường. Điều cuối cùng là việc xây dựng NVSCC cũng cần được tạo điều kiện với vị trí hợp lý và các thủ tục đơn giản để các tập đoàn, doanh nghiệp thuận lợi khi tham gia.

Anh HỒ ĐỨC MẠNH

Quận Gò Vấp, TPHCM: Áp dụng công nghệ mới để xây dựng NVSCC

Hiện nay ở TPHCM, NVSCC không chỉ số lượng còn ít, mà chất lượng cũng chưa được đảm bảo với nhiều vấn đề như nước, mùi hôi, vệ sinh và an toàn.

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, cần có một số giải pháp như sau: Xây dựng thêm nhiều NVSCC ở các khu vực đông dân cư, gần các trung tâm thương mại, trường học, nhà ga xe buýt, các cơ quan hành chính. Áp dụng công nghệ mới để xây dựng nhà NVSCC, như sử dụng các vật liệu có thể tái chế, sử dụng hệ thống hút khí và kỹ thuật thanh lọc không khí để đảm bảo môi trường sạch sẽ. Đặc biệt là phải có sự quản lý chặt chẽ và giám sát chuyên nghiệp về hoạt động của các NVSCC.

Ngoài ra, tôi cho rằng chúng ta có thể kêu gọi nhà đầu tư trợ giúp theo hướng xã hội hóa hoặc Chính phủ đầu tư vào dự án này, cộng đồng tham gia quản lý và sử dụng, để tạo ra một môi trường tốt và bảo vệ sức khỏe người dân thành phố.

Theo Sở TN-MT TPHCM, trong năm 2022, đã có 20.302 trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng (trong đó có hành vi tiểu tiện, phóng uế nơi công cộng), đã nhắc nhở nhưng chưa xử phạt 6.733 trường hợp, xử phạt 13.569 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt là 6,33 tỷ đồng... Trong năm 2023, các địa phương tăng cường kiểm tra để xử lý các hành vi vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên địa bàn. Mặc dù TPHCM đã đầu tư nhiều NVSCC, nhưng sẽ có những lúc người dân, khách vãng lai, khách du lịch đến thành phố gặp khó khăn, bất tiện khi tiếp cận, sử dụng NVSCC. Nguyên nhân là do khoảng cách xa, tốn phí khi có nhu cầu sử dụng hay có lúc NVSCC bị hư hỏng. Ngoài nguyên nhân khách quan, vẫn có nguyên nhân chủ quan là thiếu ý thức của người sử dụng nhà vệ sinh nơi công cộng.

Tin cùng chuyên mục