Xây thêm 10 nút giao BOT trên quốc lộ 51: Nên hay không?

Theo các cơ quan chức năng, việc làm 10 cầu vượt, hầm chui theo hình thức BOT trên quốc lộ (QL) 51 nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông và xử lý các điểm đen tai nạn giao thông (TNGT) cần phải được xem xét cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật và nên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Nút giao Châu Văn Lồng, Nguyễn Văn Tỏ với QL 51 (TP Biên Hòa) được đề xuất xây dựng cầu vượt BOT
Nút giao Châu Văn Lồng, Nguyễn Văn Tỏ với QL 51 (TP Biên Hòa) được đề xuất xây dựng cầu vượt BOT

Để xử lý các điểm đen

Ngày 23-2, theo ghi nhận của phóng viên, QL 51 đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có nhiều đoạn hư hỏng rất nặng, các phương tiện qua lại rất chậm và khó khăn. Không những thế, mỗi khi xe cộ chạy qua là bụi bay mù mịt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Mỗi khi trời mưa, nhiều đoạn QL 51 lại biến thành “sông”, nhất là khu vực ở khu vực vòng xoay cổng 11 có khi nước ngập sâu cả mét làm cho các phương tiện di chuyển khó khăn, đồng thời nước trên đường còn chảy vào gây ngập nặng cho những nhà dân ở hai bên đường. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, trong năm 2020, trên QL 51, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 28 vụ TNGT, làm 25 người chết, 18 người bị thương và gây thiệt hại nặng nề về tài sản.

Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), đơn vị quản lý QL 51, cho biết, năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tiến hành sửa chữa và nâng cấp QL 51 nhưng do thiếu vốn nên không thể triển khai được. Căn cứ từ thực tế và dựa trên cơ sở văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, BVEC vừa có văn bản gửi Trung ương đề nghị làm thêm 10 cầu vượt, hầm chui trên QL 51 theo hình thức BOT với mục đích chính là xử lý dứt điểm các điểm đen về TNGT và đảm bảo lưu thông an toàn, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện việc này cũng đang vướng Nghị quyết 437 của Quốc hội và phải cần nguồn vốn rất lớn nên nếu Bộ GTVT cho phép làm thì đơn vị mới làm. 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngoài việc vướng quy định của pháp luật, không cho phép xây dựng dự án BOT trên các dự án BOT hiện hữu, nên dư luận cho rằng không nên làm thêm 10 cầu vượt, hầm chui trên QL 51 theo hình thức BOT vì phải kéo dài thời gian thu phí. Thay vào đó cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ hiệu quả hơn. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo kế hoạch sẽ thực hiện sau khi làm xong dự án BOT mở rộng QL 51 và cũng được giao cho BVEC làm chủ đầu tư. Theo đó, năm 2018, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đưa vào sử dụng để “chia lửa” cho QL 51. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do khác nhau BVEC đã trả lại dự án và từ đó đến nay không được triển khai tiếp khiến cho chính quyền Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và người dân hết sức nóng ruột.

Ngày 23-2, trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, cùng với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai đang kiến nghị các bộ ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Bởi đây là tuyến đường huyết mạch, mang tầm chiến lược, khi hoàn thành góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và các tỉnh của vùng Đông Nam bộ nói chung. Đối với QL 51, hiện tuyến đường này đang bị hư hỏng, xuống cấp và quá tải nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông và phát triển kinh tế của địa phương. Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư sửa chữa khắc phục những đoạn hư hỏng nhưng mọi việc diễn ra rất chậm. 

Hiện Sở GTVT Đồng Nai đang tiếp tục hối thúc BVEC đẩy nhanh tiến độ sửa chữa QL 51 để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp khi lưu thông trên QL này. Đối với việc BVEC đề xuất xây dựng 10 nút giao thông trên QL 51 cần phải xem xét, cân nhắc và phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Ông Dương Minh Tuấn, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, từ năm 2017, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị thực hiện nhanh dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giảm tải cho QL 51, đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ. Mới đây, tháng 12-2020, đoàn tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm khởi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu  cùng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo ông Tuấn thì nên kết thúc sớm việc thu phí trên QL 51 để dồn lực đầu tư cho tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bày tỏ quan điểm không nên đầu tư thêm các nút giao thông khác mức trên QL 51 để kéo dài thời gian thu phí mà thay vào đó nên đầu tư cho các tuyến giao thông khác như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Cũng theo ông Thọ nếu tiếp tục làm thì 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đều có đủ nguồn lực để đầu tư.

Dự án QL 51 do BVEC làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào tháng 8-2009 và đưa vào sử dụng thu phí từ tháng 4-2013 với tổng chiều dài 72,7km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 36,5km, còn lại đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 36,2km. Chỉ tính riêng năm 2020, lưu lượng xe qua 3 trạm thu phí trên QL 51 từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt là 30.866, 41.238 và 23.341 lượt xe/ngày đêm, trong khi lượt xe theo tiêu chuẩn thiết kế của tuyến chỉ ở mức 15.000 lượt xe/ngày đêm. Thậm chí có ngày lượt xe qua trạm lên đến hơn 48.000, gấp hơn 3 lần so với tiêu chuẩn thiết kế. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2020 có 93 vụ làm 39 người chết, 82 người bị thương và 123 phương tiện bị hư hỏng.

Tin cùng chuyên mục