
Ngày 31-10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM đã họp lấy ý kiến góp ý dự thảo quy định hạn chế xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông trong khu vực nội đô TP và trên quốc lộ thuộc địa bàn TPHCM. Nhiều ý kiến tại cuộc họp này cho rằng, Sở GTVT nên nghiên cứu thật kỹ, cần có lộ trình, có phương tiện thay thế, chứ không thể làm theo kiểu áp đặt. Sau khi dự buổi họp này, chúng tôi đã gặp một số “người trong cuộc” và điều dễ nhận thấy là họ còn rất nhiều băn khoăn.
Chưa có phương tiện thay thế

Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều người chạy xe ba gác, người khuyết tật (NKT)- những đối tượng sử dụng nhiều phương tiện xe tự chế vẫn chưa biết thế nào là một chiếc xe đủ tiêu chuẩn. Trước mắt họ, bước đường mưu sinh vốn đã khó nhọc lại càng nặng nề hơn.
Anh Nguyễn Văn Bổng, ngụ phường Tân Kỳ, quận Tân Phú cho biết: “Nghe nói hạn cuối là ngày 31-12 tới đây, UBND TPHCM cấm xe ba gác (xe 3-4 bánh tự chế) thì phải chấp hành.
Điều chúng tôi băn khoăn là UBNDTP cấm, nhưng sao không đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như mẫu mã xe để chúng tôi có thể lựa chọn. Đến thời điểm này, ngoài xe ba bánh Trung Quốc, chúng tôi chưa thấy phương tiện nào khác để thay thế”.
Anh cho biết mới mua một chiếc xe ba bánh Trung Quốc khoảng hơn tuần nay với giá gần 48 triệu đồng, có giấy tờ đăng ký đầy đủ như xe gắn máy. Anh nói: “Mua xe là do tôi có nhiều mối chở hàng, chứ phần lớn những người tôi biết thì phải chạy hàng từng ngày nên không thể sắm nổi”.
Khó kham nổi chi phí chuyển đổi
Theo thống kê của Ban Đề án Liên sở LĐTB-XH và Giao thông Vận tải TPHCM, hiện tổng số xe 3-4 bánh thuộc diện này trên địa bàn TP là 22.460 xe (tính cả xe thu gom rác và xe cho người khuyết tật). Theo đề xuất của liên sở, các loại xe ba bánh thô sơ có đăng ký biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn được tham gia giao thông bên ngoài khu vực nội đô.
Trên 10.000 xe 3-4 bánh sẽ chuyển đổi hoặc ngưng hoạt động trên địa bàn 12 quận nằm trong nội đô ở giai đoạn 1 là: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú. Kinh phí chuyển đổi khoảng 53,8 tỷ đồng; trong đó Ban đề án đề xuất 534 xe của người khuyết tật sẽ được miễn chi phí đăng ký, đăng kiểm và học Luật Giao thông đường bộ.
Dự kiến 6.995 người có nguyện vọng chuyển đổi nghề sẽ được vay vốn và hỗ trợ vay với lãi suất 4%/năm cho mức vay tối đa 20 triệu đồng. Đề án cũng dự tính khoảng 2.000 người sẽ chuyển đổi sang xe gắn máy làm xe ôm.
Trong khi đó, khoảng 1.500 người có nhu cầu chuyển đổi xe ba bánh sang xe tải và sẽ được vay định mức tối đa 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội (giá khoảng 100 triệu đồng/xe, trả trong 4 năm, như vậy một tháng trả vốn vay là 2.085.000 đồng và lãi vay hơn 0,3%.
Tổng cộng người chuyển đổi phải nộp cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng là 2.745.000 đồng/tháng...). Ban đề án cho rằng với mức trả hàng tháng như vậy sẽ khá chật vật cho đối tượng chuyển đổi nhưng phù hợp với chủ trương tiết kiệm chi ngân sách, chống lạm phát và phù hợp với đề nghị của phần lớn UBND các quận huyện và Sở LĐTB-XH.
Không thể áp đặt
Tại buổi góp ý, nhà báo Đinh Phong đặt vấn đề với Ban đề án: Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến dân, cần phải mời dân họp để lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của ho, chứ sao cứ họp lòng vòng trong UBNDTP, rồi Ủy ban MTTQ TPHCM. Tại sao chúng ta không tìm quận nào có nhiều người chạy xe 3-4 bánh để nghe họ nói và tìm hiểu mong muốn của họ, chứ không chỉ cho người ta vay 100 triệu đồng rồi họ làm gì thì làm. Trong khi đó, xe chưa được chuyển đổi mà đã ban hành cấm. Ông đề nghị vận động tuyên truyền như thế nào để người dân chấp hành chứ không vì áp lực phải thực hiện việc cấm mà ép dân.
Ông Trần Đình Tư cho rằng, đề án chưa thuyết phục người dân thì chưa nên ra quyết định cấm. Cần làm rõ xe 3-4 bánh này đã ảnh hưởng như thế nào đến việc kẹt xe, tai nạn giao thông, mỹ quan đô thị… Nếu có số liệu cụ thể lỗi do họ gây ra thì cấm. GS Trần Văn Tấn thì cho rằng quyết định này cần có một biện chứng khoa học cụ thể rõ ràng để các nhà khoa học phản biện và người trong giới chạy xe này có ý kiến. Phải chú ý đến tính khả thi của quyết định. Rất nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại đề án một cách thận trọng trước khi đưa ra quyết định. Nhà nước cũng cần đưa ra một số mẫu xe đã được các nhà khoa học đánh giá về tiêu chuẩn, chất lượng… để người dân chọn lựa chứ không thể để một đơn vị nhập xe về bán.
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM đưa ra rất nhiều câu hỏi: “Mức 100 triệu đồng/xe tải mà ngành giao thông TP đưa ra là không thuyết phục so với thu nhập người nghèo, vì mỗi tháng phải trả lãi và vốn vay gần 3 triệu đồng thì làm sao thực hiện được. Tại sao ngành giao thông không đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường cụ thể công bố đến các đơn vị cơ khí để họ có thể đóng với chi phí hợp lý hơn. Vấn đề này tại sao không xã hội hóa. Samco và Sở Công thương hoàn toàn có thể làm được nhưng tại sao không làm?
Thời gian cấm lưu thông các phương tiện này từ 5 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Lộ trình hạn chế được chia thành hai giai đoạn: Từ năm 2009 đến 2010 và từ 2011 trở đi. Riêng phương tiện đi lại của thương binh, người khuyết tật và xe dùng để thu gom rác vẫn lưu thông bình thường. |
QUỐC HÙNG