Có hiện tượng lạ ở Bến xe miền Đông vào dịp lễ tết năm nay, đó là lượng hành khách đi lại dự báo tăng 30% - 40% so với ngày thường, nhưng cả ngàn xe đò liên tỉnh lại báo “xe hư” và “biến mất” khỏi bến. Vì sao có hiện tượng này?
Xe bỏ bến ngày càng nhiều
Liên tục trong những năm gần đây, các tuyến thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tại Bến xe miền Đông không còn xe lớn (trên 30 chỗ) hoặc không còn xe hoạt động trên các tuyến này. Theo Ban Giám đốc Bến xe miền Đông, cách đây 3 năm, tình trạng xe bỏ bến ra ngoài chạy đã diễn ra. Cụ thể, năm ngoái có gần 200 xe hoạt động trên các tuyến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định - TPHCM (tương đương gần 9.000 ghế) không vào bến đón, trả khách như quy định. Năm nay, đang chuẩn bị vào mùa cao điểm, các phương tiện chuẩn bị phục vụ đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, thế nhưng tình trạng xe bỏ bến với lý do “xe hư, đang sửa chữa..” lên đến hàng ngàn chiếc!
Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết, hiện nay một số hợp tác xã thông báo ngừng hoạt động để sửa chữa xe. Tuy nhiên, cũng có thông tin là những xe này có thể bỏ bến để ra ngoài chạy hợp đồng trong những ngày cao điểm tết, nhằm hưởng tiền chênh lệch cao hơn so với chạy trong bến. Hiện nay, xe đăng ký hoạt động tại bến chỉ còn khoảng 3.000 xe khách liên tỉnh, so với 5 năm về trước giảm hơn 1.000 xe. Lượng khách vào bến chỉ còn khoảng 20.000 khách/ngày, trong khi thời gian trước là khoảng 25.000 - 30.000 khách/ngày. Lượng khách giảm nhiều nhất là các tuyến đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nếu như trước kia, các tuyến này mỗi ngày có khoảng vài trăm xe hoạt động, thì nay chỉ còn vài xe hoạt động. Đặc biệt, các tuyến Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết có khoảng 200 chuyến bỏ khách/ngày. Cụ thể, xe Hoa Mai, Thành Bưởi, Toàn Thắng, Kumho Samco… trước đây mỗi tuyến có hàng chục chuyến xuất bến mỗi ngày, nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong dịp tết, Bến xe miền Đông khách đông nghịt nhưng xe lại bỏ bến.
Vì đâu cả ngàn xe bỏ bến? Những xe này đang hoạt động ở đâu? Ông Thượng Thanh Hải cho rằng, nguyên nhân do ngày càng nhiều xe ra ngoài lập bến dù, hoặc hoạt động núp bóng du lịch lữ hành, phổ biến nhất ở các khu vực quận 1, 5, Tân Phú và Tân Bình. Theo ông Hải, thực tế nhu cầu của người dân tiện đâu đi đấy, ngại vào bến xe, nên ngày càng có nhiều nhà xe tổ chức các điểm đưa đón khách ngay trong nội thành. Doanh nghiệp có thương hiệu cũng chỉ đăng ký cho có tại bến và chạy cho có lệ mỗi ngày 1- 2 chuyến, còn chủ yếu đưa xe vào đón khách tại các điểm đăng ký trong nội thành. “Các doanh nghiệp bỏ bến vào nội thành, mở các văn phòng trá hình để đón trả khách. Việc làm này không những gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính khác, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hải cho biết. Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở các tuyến miền Trung, tuy viện cớ sửa chữa xe nhưng thực chất là các xe này bỏ bến để ra ngoài... chạy hợp đồng tại các điểm bán vé chui, thậm chí họ tự tổ chức bán vé để đỡ tốn các loại phí bến bãi, thuế. Theo quy định, mỗi chuyến xe khi xuất bến đều phải đóng một khoản lệ phí trên số ghế (xe 50 ghế phải đóng lệ phí xuất bến 300.000 đồng hoặc hơn, tùy xe).
Bến ế, ngoài nhộn nhịp
Điều đáng nói là cả ngàn xe trên bỏ bến chứ không bỏ tuyến. Đến khu vực Bàu Cát, Hồng Lạc, Thoại Ngọc Hầu, Bình Long thuộc quận Tân Bình, Tân Phú, sẽ bắt gặp ngay cảnh hành khách về các tuyến miền Trung tập trung nhộn nhịp trước “văn phòng” của các doanh nghiệp như Hùng Mai, Ba Nga, Trần Hòa… chờ xe đến rước. Tương tự, tại nhiều tuyến đường của quận 5, quận 10, quận 12, Tân Bình, Thủ Đức, các hãng xe như Võ Cúc Phương, Thuận Phát, Thủ Đức, Năm Thùy, Phương Trang... hàng ngày vẫn tổ chức chạy lòng vòng để đón, trả, khách công khai ở bất cứ địa điểm nào.
Tại phường Tân Thành, quận Tân Phú, hãng xe Chín Nghĩa mở văn phòng nội dung “gửi hàng hóa”, tuy nhiên doanh nghiệp này đưa 4 - 6 xe để đưa, đón khách về các tuyến miền Trung mỗi ngày. Trong khi đó, doanh nghiệp này đang hoạt động tại Bến xe miền Đông. Tại địa chỉ số 66 Tân Thành (phường 5, quận 5) có bãi xe khách, bên trong có hàng loạt xe khách hãng Hùng Cường chạy tuyến Bến xe miền Tây - Bến xe Hồng Ngự (Đồng Tháp) chờ đến giờ đón khách về tuyến trên. Bên ngoài có hai xe 16 chỗ đi rước khách từ nhà đến bến. Trong khi đó, tại nhà chờ của nhà xe này, nhiều hành khách ngồi chờ xe đến rước. Tại đường Phó Cơ Điều, hãng xe Hảo chạy tuyến Bến xe miền Tây - Bến xe Cà Mau cũng tấp nập đón trả khách. Đường Phó Cơ Điều rất hẹp nên xe khách đậu chiếm hết nửa làn đường. Vào những giờ cao điểm, có những tuyến đường hẹp nhưng vẫn nhiều xe dù ngang nhiên dừng đón, trả khách gây tình trạng ùn tắc giao thông. Ngoài ra, vào dịp cao điểm tết hàng chục, thậm chí cả trăm xe rời bến, cho xe chạy lòng vòng quanh khu vực ngã tư Bình Triệu, các cây xăng trên quốc lộ 13, ngã tư Bình Phước, thậm chí nhiều xe vào đậu nhờ ở các bến bãi xe tải để đón khách.
Theo thống kê mới nhất của Thanh tra Giao thông Vận tải, hiện TPHCM có hơn 100 doanh nghiệp chuyên đón, trả khách bằng xe du lịch, hợp đồng hoặc theo tuyến liên tỉnh cố định tại hơn 120 điểm thuộc các quận 1, 3, 5, 8, 9, 10, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức… Các điểm đón, trả khách trên không chỉ ở sâu trong nội thành mà đã lan tỏa tới từng khu vực, từng quận, huyện vùng ven. Hoạt động kinh doanh kiểu này không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp ở bến xe. Vì sao tình trạng này tái diễn nhiều năm, ai cũng biết, nhưng cơ quan chức năng chưa… quyết liệt dẹp bỏ? Đó là lý do vì sao cứ mỗi mùa cao điểm tết, xe đò lại biến mất khỏi bến ngày một nhiều.
QUỐC HÙNG