Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, bao giờ?

“Trùm mền” vì thiếu nhiên liệu
Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, bao giờ?

Hai chiếc xe buýt với công nghệ sử dụng nhiên liệu sạch nhập khẩu từ Hàn Quốc đã về tới TPHCM. Hai chiếc xe cũng đã được chuyển giao cho Công ty xe khách Sài Gòn và Liên hiệp HTX vận tải TP quản lý, ứng dụng. Thế nhưng đã nhiều tháng trôi qua, do những thủ tục cần thiết để đưa hai chiếc xe trên vào hoạt động vẫn chưa được khai thông nên cả hai chiếc xe vẫn đang bị trùm mền.

“Trùm mền” vì thiếu nhiên liệu

Xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG chuẩn bị đưa vào hoạt động. Ảnh: THÀNH TÂM

Xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG chuẩn bị đưa vào hoạt động. Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TPHCM cho biết, từ tháng 1 năm 2009, chiếc xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG đã được Hợp tác xã vận tải thành phố nhập về. Đây là loại B80 có 50 chỗ ngồi với giá khoảng 800 triệu đồng. Thế nhưng, cho đến nay, việc ứng dụng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch này cũng chỉ mới dừng ở mức chạy thử nghiệm lòng vòng trong bãi giữ xe… Nguyên nhân theo ông Hải, là do chưa tìm được nguồn cung cấp nhiên liệu khí CNG dành cho loại xe này. Hiện nay hoạt động của hai chiếc xe đang phụ thuộc vào khối lượng khí mà nhà sản xuất đã nạp sẵn khi bán xe.

Đánh giá bước đầu cho thấy loại xe này chạy rất êm, hầu như không có khói thải và nhiên liệu được đốt cháy triệt để. Tuy nhiên, để có thể đánh giá tổng quát chất lượng xe thì nhất thiết phải cho xe chạy thực nghiệm đường dài. Mà muốn như thế thì đơn vị phải chờ cho đến khi có nhà cung cấp nguyên liệu. Hiện nay đơn vị có thể cung cấp nguồn nhiên liệu này duy nhất mới có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhưng đại diện đơn vị này cũng cho biết phải đến ngày 1-7 mới bắt đầu xây dựng trạm khí cung cấp khí CNG  trên xa lộ Hà Nội (gần cầu vượt Suối Tiên, quận Thủ Đức). “Và có lẽ cũng phải chờ đến lúc đó thì chiếc xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch của TPHCM mới chính thức được đưa vào sử dụng cũng như được kiểm tra chất lượng hoạt động của động cơ và khí thải…”, ông Hải nhấn mạnh.

Lộ trình... còn xa

PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM cho biết, giá 1 tấn khí CNG hiện nay là 318 USD, chỉ bằng 53,5% giá xăng, 42% giá dầu. Mỗi xe buýt sử dụng CNG hoạt động 1 năm sẽ tiết kiệm được hơn 8.000 USD so với loại xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel. Với 10.000 xe tại TPHCM, nếu chuyển đổi toàn bộ sử dụng khí CNG sẽ tiết kiệm gần 84 triệu USD/năm chi phí xăng dầu. Như vậy, trong khoảng 3 năm sẽ tiết kiệm được 250 triệu USD - số tiền đủ để chuyển đổi tất cả xe buýt sử dụng diesel sang xe buýt sử dụng nhiên liệu khí CNG (chi phí cho mỗi bộ chuyển đổi từ xe dùng dầu DO sang CNG là 25.000 USD).

Hệ thống chứa gas của xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG.

Hệ thống chứa gas của xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG.

Còn về vấn đề cung cấp nguồn nhiên liệu, TS Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) cho biết, đến cuối năm 2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể cung cấp khoảng 50 triệu m3 khí CNG cho xe buýt tại TPHCM; và đến năm 2010 là hơn 120 triệu m3/năm.

Theo đó, sẽ có 3 nguồn cung cấp: nguồn thứ nhất từ nhà máy Dinh Cố (khu công nghiệp Phú Mỹ) đến các nhà máy sản xuất CNG vào đầu năm 2009 với sản lượng 50 triệu m3/năm; nguồn thứ 2 được cung cấp từ các nguồn khí thu gom các mỏ dầu khí ngoài khơi Việt Nam, đưa về bờ tách lọc, xử lý tại khu công nghiệp Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai, dự kiến khai thác vào đầu năm 2010 với sản lượng 50-70 triệu m3/năm.

Nguồn thứ 3 từ kho lạnh Tây Nam, khu công nghiệp Hiệp Phước TPHCM, dự kiến khai thác vào năm 2012. Tuy nhiên để có thể đẩy nhanh tiến độ cung cấp loại nhiên liệu mới này, nhất thiết nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất, giá thành và xây dựng trạm cung cấp nhiên liệu.

Theo kế hoạch của PV Gas South, năm 2009 sẽ xây dựng hệ thống trạm cung cấp CNG từ hệ thống cung cấp mẹ (Mother Station) đến con (Daughter Station) và các điểm cung ứng lẻ (Trailer). Còn về phía ông Hải cũng cho rằng, bản thân các doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng cũng cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý về tài chính, thuế, kỹ thuật và cơ chế chính sách để chuyển đổi hoặc mua xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch đưa vào sử dụng.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng đã kiến nghị thành phố cần có những cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển kế hoạch sử dụng CNG trong hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn. Đó là cần hỗ trợ một phần chi phí mua xe sử dụng khí CNG; cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp để chuyển đổi hoặc mua mới phương tiện; cho phép doanh nghiệp quản lý, vận hành xe buýt được giữ lại phần chênh lệch chi phí về nhiên liệu giữa dầu DO và khí CNG cho đến khi bù đắp được phần đầu tư ban đầu đối với xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG...

Ngoài ra, để phát triển xe buýt sử dụng khí CNG đồng bộ trên địa bàn TPHCM, nhất thiết quy định bắt buộc đối với các xe buýt mới có sức chở lớn phải sử dụng nhiên liệu CNG. Có như vậy việc chuyển đổi mới diễn ra nhanh chóng, triệt để.

Minh Xuân – Giang Đoàn

Tin cùng chuyên mục