
Từ hơn một năm nay, các doanh nghiệp ngành xi măng đã nhiều lần đề nghị tăng giá bán. Lý do mà họ đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào đã tăng rất cao. Theo đó, giá clinke nhập khẩu trên thị trường thế giới đang tăng lên từng ngày, mức tăng tính đến thời điểm này đã vượt 20,8% so với cuối năm ngoái.
Hiện nay giá nhập khẩu clinke (FOB) từ Thái Lan đã là 26 USD/tấn. Không chỉ clinke, rất nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng như thạch cao, giấy kraft, dầu DO, xăng nhớt… đều tăng từ 10% đến 20%, riêng cước phí vận chuyển cũng đã tăng tới 4 - 5 USD/tấn. Tuy nhiên, để hạn chế đà gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng, đề nghị tăng giá bán của ngành xi măng đã không được Chính phủ chấp thuận. Điều này đã khiến cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xi măng gặp rất nhiều khó khăn.

Nhà máy Xi măng Hà Tiên.
Điều đáng nói là khó khăn của các doanh nghiệp xi măng chưa phải đã dừng lại đó. Theo báo cáo của Hiệp hội Xi măng VN, hiện nay, 58 nhà máy xi măng lò đứng và 20 doanh nghiệp xi măng ngoài quốc doanh, thành viên của hiệp hội đang phải mua than với giá cao. Bởi lẽ, từ đầu năm 2005, mặc dù không tăng giá bán đối với các doanh nghiệp thành viên của TCT Xi măng, nhưng TCT Than đã quyết định tăng giá bán than cho các doanh nghiệp, nhà máy xi măng lò đứng lên 36% so với năm 2004.
Giải thích vụ việc này, đại diện TCT Than VN cho rằng: “Chính phủ chỉ đạo cho chúng tôi không tăng giá bán than cho đơn vị đóng vai trò bình ổn thị trường, chứ đâu cấm chúng tôi tăng giá bán than? Và giá bán than tăng thêm 36% nêu trên thực ra cũng mới chỉ bằng một nửa giá than xuất khẩu”.
Việc TCT Than tăng giá bán không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà máy xi măng lò đứng ở các địa phương, mà còn gây tác động xấu, khiến thị trường xi măng biến động theo chiều hướng tăng giá, bởi sản lượng của các doanh nghiệp, nhà máy xi măng lò đứng hiện vẫn chiếm tới gần 50% thị phần xi măng cả nước.
Theo các doanh nghiệp, trong sản xuất xi măng, nguyên liệu than chiếm tới 30% cơ cấu giá thành sản phẩm, vì vậy, một khi than tăng giá thì xi măng không thể không tăng. Và việc TCT Than VN buộc các doanh nghiệp xi măng lò đứng phải ký hợp đồng với giá mới (tăng thêm 36%), nếu không sẽ không cung cấp than đang đặt các doanh nghiệp xi măng lò đứng vào một tình thế hết sức nan giải: phải tăng giá bán hoặc ngừng sản xuất.
Thực tế cho thấy, mặc dù TCT Xi măng VN đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện bình ổn thị trường và không tăng giá bán xi măng mà Chính phủ đã chỉ đạo, thế nhưng tất cả những nỗ lực đó vẫn không ngăn được xi măng tăng giá. Tính đến thời điểm này, hầu hết các công ty xi măng đã điều chỉnh lại giá bán của mình theo chiều hướng tăng thêm từ 15.000đ đến 20.000đ/tấn. Cụ thể: Xi măng Holcim 890.000đồng/tấn, Xi măng Nghi Sơn 870.000đ/tấn, xi măng của các nhà máy lò đứng cũng tăng thêm từ 10.000đ - 15.000đ/tấn.
Trong khi các liên doanh liên tục tăng giá bán, thì các doanh nghiệp thành viên của TCT Xi măng VN, như Xi măng Hà Tiên 1 & 2, Hoàng Thạch… vẫn tỏ ra rất nghiêm túc chấp hành “không tăng giá bán”, thế nhưng thực tế cho thấy, mặc dù giá xuất xưởng (đến các đại lý) không tăng, nhưng giá bán tại các đại lý (đến tay người tiêu dùng) lại cũng tăng lên chẳng kém gì các sản phẩm của công ty liên doanh, tức đã tăng thêm từ 15.000 - 20.000đồng/tấn. Đây là một vấn đề mà các ngành, các cấp cần phải nhìn nhận, xem xét và giải quyết một cách nghiêm túc để tránh xảy ra tình trạng chồng chéo nhau trong quản lý.
Được biết, trong một hội nghị mới đây, Hiệp hội Xi măng VN đã ra nghị quyết đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ đưa luôn mặt hàng than vào danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường, đồng thời đề nghị TCT Than thống nhất một giá bán than cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Có như vậy thì ngành xi măng mới hy vọng đủ khả năng bình ổn thị trường.
NGUYỄN THU TUYẾT