Cắt điện “tối thui”

Xin hỏi lãnh đạo Bộ Công nghiệp

Xin hỏi lãnh đạo Bộ Công nghiệp
Xin hỏi lãnh đạo Bộ Công nghiệp ảnh 1

Người dân luôn mong chờ ngành điện hạn chế những sự cố để không xảy ra ngắt điện đột ngột. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Vậy là lại thiếu điện và phải cắt điện! Mà lại thiếu điện vào thời điểm “nhạy cảm” - mùa thi đại học, mùa mưa bão, sạt lở, dịch bệnh, dịch sốt xuất huyết hoành hành - bệnh viện chật cứng bệnh nhân và thiếu điện trong lúc cả nước phải đẩy mạnh sản xuất.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong ngày đầu tiên cắt giảm điện (9-7), ngành điện phải cắt giảm 400 MW điện trong 2 giờ ở nhiều địa phương. Trong những ngày tới, vẫn còn khả năng thiếu 300 - 400 MW/ngày và sẽ phải cắt điện 1 - 2 giờ/ngày.

Nguyên nhân chính theo EVN là do phải ngừng cung cấp khí (kể từ 4 giờ 30 ngày 9-7) từ Nam Côn Sơn (nghỉ để bảo dưỡng) cho Điện lực Phú Mỹ (35% công suất điện cả nước). Người dân cả nước (khách hàng thân thiết của ngành điện!) đang rất bức xúc. Không hiểu tại sao mà cái sự bảo dưỡng đó (hoàn toàn mang tính kỹ thuật, định kỳ), chả lẽ “ông điện” không biết trước để phối hợp chặt với “ông khí” cho dân đỡ khổ (!?).

Trong khi đó, theo Báo SGGP, một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết, EVN không thể đổ lỗi thiếu điện do ngừng cung cấp khí ở Nam Côn Sơn, vì PetroVietnam đã thông báo kế hoạch ngừng cung cấp khí để sửa chữa, nâng công suất cung cấp khí cho các nhà máy điện. Đồng thời, PetroVietnam cho biết, trong thời gian ngừng cung cấp khí ở Nam Côn Sơn (ngày 9 đến 14-7), tập đoàn đã chỉ đạo tăng cung cấp khí thêm 5 triệu m3/ngày từ lô 11.2 và đã chạy cả hai tổ máy ở Nhà máy điện Cà Mau nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu, cắt điện.

 Trong khi họ cứ đổ lỗi qua đổ lỗi lại - người dân lại phải chịu cảnh “tối thui”. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, ưu tiên dồn vốn đầu tư cho ngành điện khiến cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long và cả nước hết sức vui mừng. Thế nhưng, trước tin vui - những dòng khí đầu tiên từ mỏ MP3 đã được chuyển đến Nhà máy khí điện Cà Mau 1 để đảm bảo tổ máy 1 vận hành bằng khí và phát điện thương mại ở mức 250MW như công suất thiết kế, dân chúng lại bắt đầu âu lo và hết sức “bực mình” vì thông tin sẽ “cắt điện” hàng ngày.

Qua sự cố “cắt điện” lần này, với tư cách một công dân, tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội hãy chất vấn ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp rằng, đến khi nào thì ngành điện có thể khắc phục được tình trạng “điện chập chờn” này? Ít nhất phải có lộ trình rõ ràng. Coi như đây là một nội dung trong chương trình hành động của Bộ trưởng Công nghiệp, đồng thời làm cơ sở để nhân dân cả nước giám sát. 

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục