“Xóa nghèo” online

Ở những fanpage giải trí hay trang cá nhân có đông đảo lượt theo dõi, nhiều tài khoản người dùng mạng xã hội bắt đầu bình luận để giới thiệu những phi vụ “giúp trả nợ, xóa nghèo”. Đặc biệt, những trang nào thu hút bạn trẻ quan tâm thì những bình luận này càng rầm rộ.
Bạn trẻ cần được định hướng nghề nghiệp và cơ hội việc làm từ thực tế hơn là những lời giới thiệu “công việc tiền tỷ” trên mạng xã hội
Bạn trẻ cần được định hướng nghề nghiệp và cơ hội việc làm từ thực tế hơn là những lời giới thiệu “công việc tiền tỷ” trên mạng xã hội

Cao thủ không bằng tranh thủ

Fanpage của những bộ phim đang ăn khách, các trang giới thiệu địa điểm du lịch hay bài hát mới,… luôn thu hút đông đảo bạn trẻ theo dõi, chia sẻ và bình luận. Sau mỗi tập phim đang “hot” phát sóng, lượt theo dõi các trang này lại tăng cao vì nhiều bạn trẻ bắt đầu bình luận và dự đoán nội dung tập phim sau một cách sôi nổi. Tranh thủ lượt tương tác “khủng” ở các trang này, giữa những bình luận chia sẻ nội dung và diễn viên trong phim, hàng loạt bình luận “hỗ trợ xóa nợ”, “giúp đỡ làm ăn”, “đầu tư bao lợi nhuận”… bắt đầu xuất hiện dày đặc.

Sau khi bình luận tại một fanpage về phim, tài khoản cá nhân liên tục nhận được tin nhắn “hỗ trợ làm ăn”, Phan Thị Hồng Thúy (26 tuổi, ngụ quận 4) bức xúc kể: “Xem phim xong tôi thường vào fanpage bộ phim để bình luận, tám chuyện cho vui. Ai ngờ bị làm phiền liên tục, sau bình luận của tôi thì có một bình luận khác với nội dung không liên quan gì tới phim ảnh mà giới thiệu hỗ trợ làm ăn rồi để lại số điện thoại. Cũng nội dung đó, 3 ngày sau có những tài khoản khác nhau nhắn tin vào trang cá nhân cho tôi, chặn tài khoản này thì họ dùng tài khoản khác để gửi. Tôi phải vào fanpage phim mình đã bình luận để xóa bình luận trước đó và chuyển sang chế độ giảm tương tác ở trang cá nhân khoảng 1 tuần thì những tin nhắn kiểu vậy mới ngừng”.

Kiếm tiền từ việc làm vlog và các nền tảng mạng xã hội khác, Nguyễn Phước Vương (23 tuổi, ngụ quận 7) cũng đau đầu: “Tôi có một kênh vlog và một fanpage, mất hơn 1 năm để xây dựng thì mới có lượt tương tác đáng kể. Nhưng bây giờ, đăng một video hay hình ảnh thì phía dưới tràn ngập bình luận, nào là: “Tôi giúp bạn trả nợ”, “Liên lạc số điện thoại này sẽ chỉ cách làm ăn”, “Bác N. giúp tôi trả nợ, bạn cần thì liên hệ số điện thoại này của bác N.”…, muốn xóa cũng xóa không kịp vì quá nhiều. Còn nếu tắt bình luận, fanpage sẽ giảm tương tác ngay. Mà họ không chỉ bình luận, những tài khoản khác bình luận sẽ bị họ gửi tin nhắn làm phiền. Để fanpage hay trang cá nhân trên mạng xã hội có nhiều lượt theo dõi và chia sẻ phải mất thời gian tạo dựng tương tác, kể cả tốn tiền chạy quảng cáo, nên họ chỉ cần tạo tài khoản bình thường, thậm chí nick ảo rồi tranh thủ những trang nào đang hot nhảy vào bình luận để gây chú ý”.

Không dễ gặp “người tốt”

“Bác N. giúp tôi và gia đình trả nợ. Bạn cần giúp đỡ cứ liên hệ bác N. theo số điện thoại 09…”, “Tôi đã trả hết nợ cho gia đình, bạn cần hỗ trợ thì liên hệ Zalo 03....”, “Bác D. tốt bụng đã giúp gia đình tôi trả nợ và có việc làm, 09… số điện thoại bác D.”… Những bình luận kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều ở những fanpage và kênh vlog đang hot. 

Chúng tôi truy cập thử những trang cá nhân đã để lại những bình luận trên, hoàn toàn không có thông tin gì ngoài giới tính chủ trang. Tuy nhiên, khi nhắn tin hỏi về “cách trả nợ” thì những tài khoản này hồi đáp ngay lập tức. Lần theo số điện thoại “bác N.” do một tài khoản tên T.K. nhắn, chúng tôi kết nối Zalo với một người có tên P.N. “Muốn trả nợ hay tìm việc làm lâu dài?”, đầu dây bên kia hỏi thẳng khi chúng tôi vừa nối máy. “Trả nợ”, chúng tôi đáp. Người đàn ông này tiếp tục: “Muốn nhanh thì chơi lô đề, đảm bảo thắng 90%, chuyển khoản 500K (500.000 đồng), sẽ có thống kê 5 cặp số xác suất cao nhất”. Chúng tôi ậm ừ và hỏi tiếp về cách chơi, đầu dây bên kia tỏ vẻ bực bội: “Có chơi hay không, không thì biến”.

Vẫn là Zalo của P.N., khi chúng tôi kết nối trong vai là một nữ sinh viên đại học năm 2, người này nhẹ nhàng: “Cần tiền đóng học phí hả em?”. Chúng tôi chưa kịp trả lời, người này tiếp tục: “Sinh viên thì có bao nhiêu mà đầu tư, đầu tư mà không có tiền nhiều thì sao nhảy vô làm ăn lớn được. Có nghe qua sugar baby chưa?”. Chúng tôi im lặng và tắt máy, chưa đầy 5 phút sau, tài khoản P.N. cũng chặn tài khoản cá nhân của chúng tôi.

Tò mò trước những bình luận và tin nhắn giới thiệu việc làm như trên, Kiều Oanh (19 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM) kể: “Sắp nghỉ hè nên em muốn tìm việc làm thêm, thấy họ để lại bình luận rồi nhắn tin giới thiệu nhiệt tình, phía dưới bình luận đó có thêm vài bình luận khác cảm ơn vì nhờ người này mà họ đã tìm được việc, thấy cũng tin tưởng nên em liên lạc thử. Ai dè, họ không nói rõ công ty ở đâu, công việc cụ thể là gì, chỉ nói em để lại thông tin cá nhân, email và chuyển trước 500.000 đồng mua đồng phục, nội dung công việc sẽ được gửi qua email. Chưa gì đã thấy mất tiền, nên em chặn số điện thoại đó luôn”.

Ở những fanpage/vlog có lượt tương tác “khủng”, bạn trẻ cần cẩn trọng bởi một chút sơ sẩy sẽ bị nhắn tin làm phiền, đánh cắp thông tin cá nhân, thậm chí là lừa đảo. Người tốt là thật nhưng trong “thế giới ảo” cần phải kiểm chứng và không ai cho không ai cái gì bao giờ, nhất là tiền bạc.

Tin cùng chuyên mục